CÁC PHÒNG CÁC KHOA
Liên kết |
NGỘ ĐỘC RƯỢU NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT06:53:00 06/02/2017
I. Đại cương 1. Ethanol Ethanol (ethyl alcohol) có công thức hóa học là C2H5OH, được tạo ra từ quá trình lên men đường cellulose hoặc tinh bột, là loại ethanol dùng làm thực phẩm: rượu uống, bia, dấm, … Ethanol còn được tổng hợp hóa học trong công nghiệp dùng để sát trùng, dung môi, … Ethanol được hấp thu qua đường tiêu hoá, 80% hấp thu ở ruột non. Nồng độ rượu, các thức uống và sự có mặt của thức ăn cũng làm thay đổi tốc độ hấp thu. Nếu dạ dày rỗng, nồng độ đỉnh của ethanol đạt được sau uống là 30-60 phút. Chuyển hoá chủ yếu tại gan, chỉ 2-15% ethanol được đào thải qua hơi thở, nước tiểu và qua da dưới dạng không đổi. Sau uống, nồng độ ethanol có thể đạt mức trên 100mg/dL, nồng độ này giảm khoảng 15-30mg/dL/h. Thể tích phân bố của ethanol là 0,54 ± 0,05/kg, phân bố dễ dàng vào các môi trường có nước, dễ dàng qua hàng rào máu não, tan rất ít trong mỡ và gắn rất kém với protein. Ethanol được chuyển hóa qua gan bằng men alcohol dehydrogenase và khi uống ít có thể chuyển hoá trên 80%. Ethanol được chuyển hoá thành acetaldehyde, sau đó thành acetate, trong quá trình chuyển hoá NAD+ được chuyển thành NADH. Lượng NADH tăng dẫn tới tỷ lệ NADH / NAD+ tăng, ức chế các phản ức phụ thuộc NAD+ như phản ứng tạo glucose. Acetate được chuyển thành acetyl coenzym A, chất này sau đó tham gia vào chu trình axit citric, tổng hợp axit béo và hình thành thể ceton. Ethanol tăng cường tác dụng của gamma amino butyric acid (GABA), một chất dẫn truyền thần kinh thuộc hệ ức chế, ở thụ thể GABA-A. Đồng thời ethanol ức chế cạnh tranh việc gắn glycin ở thụ thể của N-methyl-D-aspartate (NMDA), ngăn cản dẫn truyền thần kinh thuộc hệ glutaminergic-hệ kích thích. Tác dụng chính cuối cùng là ức chế thần kinh trung ương. Tác dụng ức chế thần kinh trung ương, nồng độ tác dụng khác nhau giữa người hay uống rượu và người không hay uống rượu, nhưng nói chung nồng độ tương quan với biểu hiện ngộ độc. Vì chức năng vỏ não ở phần trên bị ức chế trước nên ban đầu thường có giai đoạn kích thích nghịch thường do thoát các ức chế ở các phần dưới. Với liều cao, ethanol như là một thuốc mê, gây hôn mê, rối loạn các chức năng tự động: hạ huyết áp, hạ thân nhiệt và tử vong do ức chế hô hấp, trụy tim mạch. Liều dùng 50mg/dl với người lớn khoảng 5-8mg/kg, với trẻ em khoảng 3mg/kg. 2. Methanol Methanol (methyl alcohol) có công thức hóa học là CH3OH, được tạo ra từ hiện tượng tự chuyển hóa của nhiều loại quả (số lượng ít), từ phân hủy rác hoặc từ sản xuất công nghiệp. Methanol có nhiều công dụng khác nhau: làm sơn, đánh véc ni, dung môi, … hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Methanol được hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn qua đường tiêu hoá, nồng độ đỉnh đạt được sau 30-90phút, có thể hấp thu qua da và đường hô hấp. Methanol không gắn với protein huyết tương. Thể tích phân bố 0,7L/kg, phần lớn được chuyển hoá qua gan nhưng chậm hơn so với ethanol và ethylen glycol, giải thích cho hiện tượng nhiễm độc xuất hiện chậm. Tốc độ chuyển hóa của methanol chậm và rất thay đổi. Khi bệnh nhân uống rượu có cả ethanol hoặc được dùng ethanol hay formepozole thì thời gian bán hủy của methanol tăng lên, 3-5% liều uống được đào thải qua thận ở dạng nguyên vẹn, khoảng 5% liều uống được thải qua thận dưới dạng acid formic, và tới 12% được đào thải qua phổi ở dạng nguyên vẹn. Lọc máu thẩm tách (hemodialysis) lọc methanol rất hiệu quả thời gian bán hủy từ 8 giờ xuống 2.5 giờ và độ thanh thải 260 ± 30ml/phút, độ thanh thải của format là 223 ± 24.5 mL/ph. Đào thải theo trình tự thứ nhất khi nồng độ thấp thời gian bán hủy là 3 giờ và bệnh nhân được lọc máu thời gian bán hủy là 2.5 giờ, khi methanol ở nồng độ cao thì được đào thải theo trình tự. II. Phân biệt say rượu và ngộ độc rượu Thông thường, rất khó để phân biệt giữa say rượu và ngộ độc rượu có pha Methanol do biểu hiện của ngộ độc chất Methanol giống hệt biểu hiện của say rượu. Độc tính của Methanol tác động chủ yếu lên thần kinh, đặc biệt là thần kinh điều khiển thị giác, vì vậy thường có biểu hiện loạng choạng, hoa mắt giống hệt cảm giác say rượu khiến người đã uống rượu hay lầm tưởng là say nhưng thực chất là bị ngộ độc. Nếu để lâu, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng tím tái, hôn mê, co giật, rối loạn điện giải, tụt huyết áp và có thể tử vong. Trường hợp được cứu sống, bệnh nhân cũng có nhiều di chứng về thần kinh. Có thể dựa vào những dấu hiệu sau để phân biệt giữa say rượu và ngộ độc rượu để kịp thời đưa nạn nhân tới các cơ sở y tế cấp cứu. 1. Triệu chứng của say rượu - Chếnh choáng. - Nói líu lưỡi. - Phối hợp cơ thể kém. - Mất thăng bằng. - Buồn nôn, nôn. 2. Ngộ độc rượu Thời gian chậm nhất là 24 giờ sau khi uống rượu pha cồn Methanol, các triệu chứng của ngộ độc rượu sẽ xuất hiện gồm: - Bất tỉnh, gọi hỏi không biết. - Co giật. - Tê, yếu chân tay một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo. - Thở khò khè, ứ đọng đờm dãi ở miệng họng, ho yếu. Thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở. Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh. - Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh. - Đại tiện, tiểu tiện ra quần, đái ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường). - Nhìn mờ, nhìn một vật thành hai, Rối loạn cảm nhận về màu sắc. - Nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng. - Mệt nhiều. 3. Xử trí Điều trị chính của bệnh nhân ngộ độc ethanol là chăm sóc tăng cường. Nhiều phương thức điều trị ngộ độc ethanol và tăng thanh thải ethanol cũng được thực hiện. Nhìn chung, điều trị bảo tồn được khuyến cáo nhiều hơn. - Hạ đường huyết và suy hô hấp là 2 mối nguy hiểm đe dọa tính mạng, thường do ngộ độc ethanol ở trẻ em. Chăm sóc ban đầu: - Thông đường dẫn khí: Nếu cần, bảo vệ đường dẫn khí bằng nội khí quản nếu bệnh nhân không thông khí tốt hoặc nguy cơ nặng của suy hô hấp cấp nặng. Hỗ trợ thông khí với máy thở nếu cần - Truyền dịch, sử dụng dịch plasma và thuốc co mạch để điều trị hạ huyết áp, nếu có. - Khẳng định bệnh nhân được duy trì ở nhiệt độ bình thường. - Nhanh chóng điều chỉnh hạ đường huyết. Truyền dịch duy trì dextrose đường tĩnh mạch thường cần thiết. Trẻ em, 2-4 ml/kg của dịch 25% dextrose thường được khuyến khích. - Điều chỉnh bất thường điện giải. - Nếu do ngộ độc đường uống trong vòng 1h, cần rửa dạ dày. - Ở những bệnh nhân nghiện rượu mạn tính, cần tiêm 100mg thiamine IV/IM để ngừa tổn thương thần kinh. Chăm sóc tăng cường: Nếu đồng ngộ độc chất khác, cần bắt đầu điều trị chất đó, nếu có thể. Ví dụ, naloxone có thể được sử dụng để phục hồi suy hô hấp nếu có đồng ngộ độc opiate Những điều trị khác: - Thuốc gây nôn mửa không được khuyến khích do làm nhanh chóng ức chế thần kinh và nguy cơ suy hô hấp. - Than hoạt không được khuyến khích cho ngộ độc alcohol đơn độc do nó không gắn được với hydrocarbon hoặc alcohol. Nếu bác sĩ lâm sàng nghi ngờ có uống hóa chất phối hợp, than hoạt có thể hữu ích trong việc hấp thu độc chất - Lợi tiểu cũng không được sử dụng vì chuyển hóa ethanol 90% diễn ra ở gan, và chỉ 10% được tiết ở thận. - Thuốc đối kháng thụ thể GABA như naloxone, flumazenil có ít tác dụng trên hệ thần kinh trung ương hoặc suy hô hấp do ethanol, vì thế cũng không được khuyến khích trong ngộ độc ethanol đơn thuần. - Tác động của insulin, glucose, caffeine, và những thuốc khác đang được nghiên cứu, nhưng không gia tăng được chuyển hóa ethanol hoặc làm giảm bớt ức chế thần kinh. - Truyền glucose thường cần thiết ở những bệnh nhân hạ đường huyết do ngộ độc ethanol, tuy nhiên điều trị này không làm sạch được ethanol trong máu. - Truyền fructose có thể làm tăng độ thanh thải ethanol lên 25%. Tuy nhiên, sử dụng fructose không được khuyến khích bởi vì tác dụng phụ nặng. Ví dụ, truyền fructose có thể gây nên toan chuyển hóa do lactic, lợi tiểu thẩm thấu nặng, hội chứng kích thích dạ dày, vì thế nó không được sử dụng thường quy trong điều trị ngộ độc ethanol. - Lọc máu có hiệu quả trong làm sạch ethanol trong máu, nhưng đó là một thủ thuật xâm lấn, vì thế nó không được khuyến khích sử dụng thường quy. Lọc máu có thể được sử dụng ở những bệnh nhân có tình trạng lâm sàng nặng hoặc ở những bệnh nhân ức chế thần kinh trung ương, suy hô hấp hoặc hạ huyết áp đáp ứng kép với điều trị chuẩn. - Những bệnh nhân có suy chức nặng gan có thể cần được lọc máu sớm để loại bỏ ethanol. Tham khảo từ http://emedicine.medscape.com/article/1010220-overview. BSCK2.Châu Quôc Lượng |