Ca lâm sàng hiếm gặp: Vỡ bàng quang sau sinh

08:26:00 06/06/2013

 

1. Ca lâm sàng

 

Sản phụ 37 tuổi ở Phú Tân, Cà Mau, vào bệnh viện ĐKKV Cái Nước ngày 15 tháng 4 năm 2013 với lý do chờ sanh.

Ngày 18 tháng 4, sản phụ sanh thường 01 bé gái cân nặng 2500 gam. Sau sanh  khỏe, ăn uống bình thường, tự tiểu được nhưng ít (khoảng 600 ml/ngày).

Ngày 22 tháng 4 sản phụ than đau hạ vị, bụng chướng nhẹ, không sốt, không nôn ói, khám không có dấu hiệu bụng ngoại khoa, xét nghiệm máu bạch cầu không tăng, siêu âm có dịch trong ổ bụng, được theo dõi và điều trị nội khoa tiếp tục.

Từ ngày 22 đến ngày 25 tháng 4 toàn trạng vẫn không thay đổi nhưng vẫn còn đau hạ vị, đi tiểu ít mặc dù lượng dịch cung cấp đã đủ và huyết áp bình thường. Sản phụ được siêu âm kiểm tra lại 02 lần và phát hiện ổ bụng có dịch khi rút ống sode tiểu và không có dịch khi đặt ống sonde tiểu, bơm nước muối sinh lý vào bàng quang không phát hiện dòng nước chảy phụt từ bàng quang vào ổ bụng, kiểm tra lượng dịch bơm vào, xả ra gần bằng nhau. Mặc dù không phát hiện dòng nước chảy phụt từ bàng quang vào ổ bụng nhưng không thể giải thích được hiện tượng ổ bụng có dịch liên quan đến ống sonde tiểu nên sản phụ được chẩn đoán nghi ngờ vỡ bàng quang sau sanh.

Sản phụ được chụp bàng quang có cản quang (Telebrix) nhưng không phát hiện thuốc cản quang trong ổ bụng. Tiến hành Hội chẩn viện và quyết định phương pháp nội soi chẩn đoán. Vào ổ bụng phát hiện ổ bụng có nhiều dịch và mặt sau bàng quang gần đáy có 01 lỗ thủng kích thước 5x5 mm, xung quanh viêm, phù nề. Tiến hành khâu lỗ thủng qua nội soi. Sau mổ bệnh diễn tiến tốt và xuất viện sau 7 ngày tính từ khi phẫu thuật.

2. Bàn luận

          Vỡ bàng quang sau sanh là bệnh hiếm gặp, theo nhiều báo cáo trong nước vỡ bàng quang chủ yếu do tai nạn giao thông hoặc đánh nhau. Tại Hà Nội có báo cáo 01 trường hợp vỡ bàng quang sau sanh thường 08 ngày. Sản phụ này có triệu chứng tương tự như trường hợp chúng tôi: Sau sanh chỉ đau nhẹ hạ vị, không sốt, tiểu bình thường nhưng số lượng ít. Chỉ có siêu âm phát hiện có dịch ổ bụng, bơm nước muối sinh lý vào bàng quang phát hiện có dòng nước phụt từ bàng quang vào ổ bụng. Sản phụ được phẫu thuật nội soi khâu lại chỗ vỡ thành công.

          Vỡ bàng quang trường hợp này khó chẩn đoán vì lỗ thủng nằm ở mặt sau gần đáy. Do ở vị trí này nên khi bơm nước muối sinh lý và chất cản quang vào bàng quang không phát hiện dòng nước chảy phụt vào ổ bụng qua siêu âm và không phát hiện chất cản quang trong ổ bụng qua chụp X-quang, do bàng quang đè vào tử cung vốn còn to sau sanh.

          Triệu chứng nghi ngờ duy nhất trên bệnh nhân này là tiểu ít và siêu âm trong ổ bụng có dịch liên quan đến đặt ống sinde tiểu.

 

3. Kết luận

          Vỡ bàng quang sau sinh là bệnh hiếm gặp, theo dõi lượng nước tiểu và siêu âm sau sinh là các biện pháp phát hiện hữu hiệu.

          Ghi chú:

    Trước xả thuốc                                                Sau xả thuốc

 

 BS Bùi Văn Dủ