Một số sai lầm phổ biến trong nghiên cứu khoa học

07:52:00 27/08/2013

    

     Là người từng tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và tham dự nhiều Hội nghị nghiệm thu đề tài, tôi phát hiện một số sai lầm của các chủ hay đồng chủ đề tài trong nghiên cứu khoa học. Trong khi nghiên cứu khoa học  vài năm gần đây được Sở Y tế hết sức quan tâm, Sở đã có Công văn về hướng dẫn phương pháp viết đề cương và đề tài nghiên cứu khoa học, liên kết mở nhiều lớp tập huấn về nghiên cứu khoa học… có thể điểm qua một số sai lầm phổ biến sau:

1. Không “thuộc bài”: Không biết do run hay chuẩn bị không cẩn thận mà nhiều tác giả không nhớ nỗi một số nội dung, phương pháp hay các khái niệm cơ bản liên quan đến đề tài, thậm chí còn quên các kết quả quan trọng. Điều này là không thể chấp nhận được vì như thế thì không thể cung cấp thông tin cho người nghe một cách có hiệu quả mà còn có thể bị hiểu lầm là quá hời hợt với “đứa con tinh thần” của chính mình.

2. Lúng túng khi mô tả phương pháp chọn mẫu và tính cỡ mẫu: Đa số các tác giả đều vướng vào phần này. Có thể do không hiểu công thức, không biết các phương pháp chọn mẫu nên trả lời rất ấp úng, có khi sai sót nghiêm trọng.

3. Không sử dụng bất cứ phương pháp thống kê nào: Các kết quả nghiên cứu chỉ đơn thuần là số đếm, tính tỷ lệ phần trăm, không dùng bất cứ một phương pháp kiểm định thống kê nào để so sánh hay tìm sự tương quan…như thế thì kết quả nghiên cứu làm sao có giá trị khoa học.

4. Mô tả các biến liên tục: Do không kiểm định phân phối của biến nên vô tư mô tả biến liên tục bằng chỉ số trung bình và độ lệch chuẩn, kết quả từ phần mềm tính sao thì bê nguyên vào vậy. Có những số liệu nhìn vào là biết không tuân theo luật phân phối chuẩn. Điều này dẫn kết quả sai và so sánh sai.

5. Ứng dụng phương pháp thống kê sai: Một số đề tài có sử dụng vài phương pháp thống kê nhưng ứng dụng sai do không hiểu giả định đằng sau mỗi phương pháp. Sai lầm thường thấy nhất là ứng dụng t.test để so sánh hai biến liên tục quá tuỳ tiện.

6. Tính toán sai: Không biết vô tình hay cố ý, có vài tính toán như OR, t.test, chỉ số p… chỉ cần nhìn qua hay vài thao tác tính toán lại đơn giản là có thể phát hiện sai sót. Có khi sai sót đến mức rất ngây thơ ví dụ như giá trị OR không nằm trong khoảng tin cậy 95%. Một số nghiên cứu có tỷ lệ lưu hành rất cao từ 80-90% mà vẫn so sánh bằng OR nên kết quả OR cao chót vót, không phản ánh quy mô thực tế. Có những tác giả sử dụng OR nhưng lại không tính khoảng tin cậy 95%... như thế thì làm sao biết có ý nghĩa thống kê hay không? Đó là chưa nói đến cách hiểu và diễn dịch của tác giả.

7. Mô tả chỉ số p: Giống như thời kỳ tính toán thủ công chỉ mô tả chỉ số p lớn hơn hoặc nhỏ hơn 0,05 mà không ghi giá trị cụ thể. Xu hướng hiện nay là ghi chỉ số p cụ thể, chỉ ghi p < 0,0001 khi chỉ số p nhỏ hơn 1/10000. Một số nghiên cứu kiểm định  nhiều giả thuyết nhưng không điều chỉnh chỉ số p.

8. Bảng số liệu: Số liệu giữa các bảng có liên quan không khớp nhau, trình bày không rõ ràng có khi quá lằng nhằng chi chít, không ghi chú chữ viết tắt, không ghi đơn vị tính, không tiêu đề…Một vài đề tài có quá nhiều bảng số liệu, trong khi có vài bảng không cần hay có thể ghép lại được.

9. Biểu đồ: Chọn loại biểu đồ không phù hợp, ví dụ số liệu có cơ cấu tỷ lệ 100% thay vì chọn biểu đồ hình bánh thì chọn biểu đồ hình thanh; mô tả nhiều số liệu cùng thời điểm thay vì chọn biểu đồ hình thanh thì lại chọn loại biểu đồ đường biểu diễn; mô tả số liệu trung bình chọn biểu đồ không có sai số chuẩn…Thiết kế biểu đồ thì xấu có khi lại rất màu mè; không ghi định danh trục hoành, trục tung, tiêu đề và ghi chú các chữ viết tắt trong biểu đồ. Có những biểu đồ phản ánh thông tin quá nghèo nàn, chiếm diện tích, không cần thiết kế mà chỉ mô tả một câu là đủ.

10. Không cân đối giữa bảng sô liệu và biểu đồ: Có nghiên cứu quá nhiều bảng số liệu, lại có nghiên cứu có quá nhiều biểu đồ…Cách trình bày như thế ngoài việc cung cấp thông tin không tối ưu còn làm bố cục đề tài đơn điệu và không đẹp.

11. Soạn powerpoint: Đây là sai lầm hầu hết các tác giả. Sai lầm từ cách chọn phông chữ, cỡ chữ, số lượng chữ mỗi slide, màu chữ, màu nền, hiệu ứng…Có những slide không thể đọc được do tiệp màu chữ và màu nền hay phông chữ quá nhỏ. Nhìn chung hầu hết trên file powerpoint là sao chép từ file word.

12. Phong cách báo cáo: Đa số các tác giả báo cáo bằng cách đọc và đọc không sót một chữ. Do sao chép từ file word nên số lượng slide powerpoint quá nhiều, để kịp thời gian nên tác giả đọc rất nhanh, nhanh đến nỗi không thể đọc nhanh hơn nữa, đọc dàn trải từ đầu đến cuối làm người nghe rất khó nắm bắt thông tin.

13. Trả lời câu hỏi của Hội đồng: Một số tác giả quá rụt rè, thiếu tự tin khi trả lời câu hỏi nên chất lượng trả lời không cao. Một số trả lời không đúng trọng tâm, thậm chí lạc đề, mặc dù nội dung câu hỏi không quá khó.

Tóm lại: Theo nhận xét chủ quan, tôi thấy các đồng nghiệp còn nhiều sai sót trong nghiên cứu khoa học và những sai sót này hoàn toàn có thể khắc phục được. Chúng ta đang có ưu thế là có thể học hỏi được rất nhiều từ internet, nếu chịu khó “lang thang” trên mạng chúng ta sẽ bắt gặp nhiều trang hướng dẫn phương pháp nghiên cứu khoa học và sử dụng phần mềm thống kê rất thú vị. Hơn nữa chúng ta thường xuyên tiếp xúc với nghiều đồng nghiệp có kinh nghiệm và học hỏi từ họ là cơ hội tuyệt vời . Lợi thế chúng ta đang có, cơ hội chúng ta cũng có còn lại chỉ là đầu tư của bản thân.

Bùi Văn Dủ