NHÂN MỘT TRƯỜNG HỢP CẤP CỨU TỪ VỤ NGỘ ĐỘ KHÍ BIOGAS

04:17:00 26/04/2016

Hiện nay, do điều kiện kinh tế phát triển nhiều hộ gia đình tại nông thôn đã sử dụng khí biogas thay cho củi, than hoặc bếp điện. Tuy nhiên, do bất cẩn và thiếu hiểu biết kỹ thuật sử dụng dẫn đến nhiều trường hợp phải vào bệnh viện cấp cứu vì bị ngộ độc khí biogas, thậm chí đã có trường hợp bị tử vong.

Ngộ độc cấp CO rất thường gặp, thống kê tại Pháp có khoảng 10.000 trường hợp/năm, trong đó có khoảng 500 người chết. Thường gặp nhất là ngộ độc nhiều người trong cùng một gia đình.

          Tại Mỹ, ngộ độc cấp CO là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, thống kê cho thấy từ 1979 – 1988 có đến 5613 trường hợp. Tỷ lệ để lại di chứng 4 – 40 % trường hợp xuất viện.

          Lúc 07 giờ 30 phút, ngày 23 tháng 4 năm 2016, bộ phận Cấp cứu ngoại viện Bệnh viện ĐKKV Cái Nước, tỉnh Cà Mau tiếp nhận thông tin cấp cứu ngoại viện do ngộ độc khí biogas tập thể cách Bệnh viện 10 Km. Sau 10 phút, đơn vị có mặt tại hiện trường, rất khẩn trương các nhân viên y tế cho bệnh nhân thở oxy và chuyển nhanh về khoa Cấp cứu Bệnh viện ĐKKV Cái Nước.

          Đến 07 giờ 50 phút, các bệnh nhân được đưa đến khoa Cấp cứu Bệnh viện ĐKKV Cái Nước với tình trạng: đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, nhìn mờ, rối loạn hành vi, lơ mơ, khó thở. Các Bác sỹ kíp trực nhanh chóng khám phân loại nạn nhân ngộ độc xem có mất ý thức hay không?, tình trạng hôn mê, các yếu tố tiên lượng nặng và dấu hiệu tâm thần kinh. Được chẩn đoán: ngộc độc khí CO, chỉ định các xét nghiệm thường quy, tiến hành cho bệnh nhân thở oxy, cân bằng nước, điện giải, điều trị triệu chứng, theo dõi các dấu hiệu sinh tồn và các biến chứng tâm thần kinh. Các bệnh nhân dần hồi phục, dấu hiệu sinh tồn và tâm thần kinh trở về trạng thái bình thường.

 

Hình 1: Bệnh nhân T khi nguy kịch phải thở máy.

          Riêng bệnh nhân Lê Văn T 62 tuổi vào viện với tình trạng lơ mơ, co giật toàn thân, mũi, miệng sùi bọt hồng, khó thở, thở nhanh, nông, SpO2 88%, M: 106 lần/phút, HA: 110/70 mmHg, Nđộ: 37C, NT: 26 lần/phút, phổi rale ẩm, nổ. Được chẩn đoán: ngộc độc khí CO, thở oxy qua mask 10 lít/phút. Đến 08 giờ 20 phút, bệnh nhân hôn mê, co giật toàn thân, tím tái, mũi và miệng sùi bọt hồng, khó thở, thở nhanh, nông, SpO2 60%, HA: 110/80 mmHg, phổi nhiều rale ẩm, nổ tăng hơn. Bệnh nhân được chỉ định đặt nội khí quản, đồng thời các Bác sỹ Hội chẩn từ xa với Bác sỹ Khoa HSTC Bệnh viện Chợ Rẩy, Thành phố Hồ Chí Minh. Thống nhất, tiến hành thở máy bằng chế độ A/C:

          - Thể tích: 400ml/phút (bệnh nhân 60 kg).

          - Nhịp thở 24 lần/phút.

          - PEEP: 10 cmH2O.

          - FiO2: 100%.

          Các phương pháp điều trị khác bao gồm:

          - Dinh dưỡng: nuôi ăn qua sonde dạ dày.

          - Đặt sonde tiểu lưu: theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, nước tiểu mổi giờ.

          - An thần: Midazolam + Fentanyl.

          - Lợi tiểu: Furosemide.

          - Kháng sinh dự phòng bội nhiễm: Cefalosporin thế hệ III, Quinolone phổi.

          - Phòng chống Stress: ức chế bơm proton.

          Đến 16 giờ, bệnh nhân có dấu hiệu cải thiện: thở đều, SpO2 93%, HA 110/80 mmHg, nước tiểu 100 ml/giờ. Xử trí: ngừng Midazolam, ngưng thở máy, thở oxy qua nội khí quản 6 lít/phút, theo dõi tiếp tục. Lúc 16 giờ 30 phút, bệnh nhân tỉnh, gọi mỡ mắt, thở đều, SpO2 93%, HA 130/80 mmHg. Xử trí: cho thở oxy qua nội khí quản 3 lít/phút, theo dõi tiếp. Đến 20 giờ, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, da niêm hồng, dấu hiệu sinh tồn ổn định, thở qua nội khí quản. Xử trí: rút nội khí quản, thở oxy 3 lít/phút qua sonde mũi. Sau đó tình trạng bệnh nhân dần cải thiện và ổn định.

          Từ vụ ngộ độc khí CO tập thể trên chúng ta rút ra một bài học kinh nghiệm sau:

          1. Đơn vị cấp cứu ngoại viện phải luôn sẳn sàng, nhanh chóng và làm tốt việc phân loại, xử trí ban đầu.

          2. Sự phân ly của HbCO được thúc đẩy dưới oxy liệu pháp, vì vậy cần cho thở oxy càng sớm càng tốt, thở oxy 100%.

          3. Điều trị triệu chứng: nếu có suy hô hấp cần đặt nội khí quản, thở máy.

Điều trị tụt HA, dùng thuốc vận mạch tuỳ theo mức độ của rối loạn huyết động.

          4. Theo dõi tốt dấu hiệu sinh tồn để xử trí kịp thời.

Hình 2: Niềm vui bệnh nhân T sau cơn nguy kịch.

BS. Châu Quốc Lượng