Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

20:30:00 22/04/2015

 

Ngày 02/02/2015, Liên đoàn Lao động tỉnh Cà Mau ban hành Công văn số 12/LĐLĐ về việc vận động công nhân, viên chức, lao động tham gia Cuộc thi viết "Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Mục đích của Cuộc thi nhằm phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động, học sinh, sinh viên... trên địa bàn tỉnh Cà Mau, nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng, chấp hành, bảo vệ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát triển đất nước vững mạnh, tăng cường khả năng tự vệ, bảo đảm toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Ban tổ chức cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp trên địa bàn tỉnh Cà Mau ban hành thể lệ cuộc thi như sau:

* ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC THI

- Đối tượng:

Tất cả đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đang sinh sống, lao động và học tập trên địa bàn tỉnh Cà Mau (trừ các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Ban tổ chức, Ban giám khảo, Tổ thư ký Cuộc thi)

- Nội dung:

Thí sinh trả lời đầy đủ 09 câu hỏi về một số nội dung của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013 (có câu hỏi dự thi kèm theo bên dưới)

- Hình thức:

Cuộc thi được tổ chức theo hình thức thi viết bằng tiếng việt; trình bày sạch, đẹp trên khổ giấy A4 và đóng thành tập.

* QUY ĐỊNH VỀ BÀI DỰ THI

- Yêu cầu về nội dung:

Đúng chủ đề và nội dung quy định; bài thi không được sao chép của người khác; nếu trích dẫn nội dung hình ảnh tư liệu để minh họa phải có chú thích rõ ràng.

Nghiêm cấp các trường hợp lợi dụng bài thi để bịa đặt, vu khống, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam; vi phạm đạo đức, thuần phong, mỹ tục và các vi phạm pháp luật khác. Bài thi có nội dung vi phạm sẽ bị hủy bài thi hoặc hủy giải thưởng và tùy theo tính chất, mức độ mà xử lý theo quy định của pháp luật.

- Yêu cầu về hình thức:

Bài thi (đánh máy hoặc viết tay) phải được trình bày trang trọng, sạch, đẹp bằng tiếng việt và đánh số trang theo thứ tự. Trường hợp bài dự thi nhiều trang phải đóng lại thành cuốn. Khuyến khích người dự thi đầu tư công phu, bố cục hợp lý, màu sắc, tranh, ảnh, tư liệu phong phú, nhiều thông tin bổ trợ cho bài thi.

Trang bìa: Đóng khung; phần trên ghi Quốc hiệu; phần giữa ghi “Bài dự thi tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; phần dưới (bên phải) ghi họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc, địa chỉ của người dự thi; ngoài phong bì ghi rõ “Dự thi tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; phần nơi nhận ghi “Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau, số 7, đường 12, khóm 8, phường 5, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Ruột: Đánh số trang theo thứ tự và ghi rõ chú thích hình, ảnh minh họa hoặc dẫn nguồn tài liệu.

Số lượng: Mỗi cá nhân chỉ gửi 01 bài dự thi, không nhận bài thi của tập thể.

* THỜI GIAN, NƠI NHẬN BÀI, CHẤM THI, TỔNG KẾT VÒNG SƠ KHẢO VÀ SỬ DỤNG BÀI DỰ THI

Nơi nhận “Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau, số 7, đường 12, khóm 8, phường 5, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Ban Tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” tỉnh Cà Mau nhận bài thi của các cá nhân trên địa bàn tỉnh (trừ các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) từ nay đến 17h ngày 30/4/2015 kết thúc.

Chấm thi từ ngày 01/5/2015 đến 20/7/2015. Sau khi có kết quả chấm thi vòng sơ khảo, BTC sẽ chọn 20 bài có số điểm cao nhất gửi về BTC Cuộc thi Trung ương trước 17h ngày 01/8/2015 (qua đường bưu điện) để tham dự Cuộc thi vòng chung khảo. Đồng thời tổng kết và trao giải thưởng Cuộc thi vòng sơ khảo trước ngày 31/8/2015.

* THANG ĐIỂM VÀ GIẢI THƯỞNG

- Thang điểm

Thang điểm của mỗi câu hỏi (09 câu) dựa trên thang điểm của Ban Tổ chức Trung ương.

- Cơ cấu giải thưởng

Ngoài giải thưởng của BTC Trung ương, BTC Cuộc thi cấp tỉnh (vòng sơ khảo) sẽ trao các giải như sau:

+ Các giải chính:

- 05 giải A, mỗi giải: 2.000.000 đồng.

- 15 giải B, mỗi giải: 1.000.000 đồng.

- 20 giải C, mỗi giải: 800.000 đồng.

- 50 giải khuyến khích, mỗi giải: 500.000 đồng.

+ Giải phong trào:

Đối với các huyện, thành phố:

- 01 giải nhất trị giá 4.000.000 đồng được trao cho huyện, thành phố có số lượng bài dự thi cao nhất, có chất lượng, bài thi nộp đúng quy định và có nhiều cá nhân đạt giải.

- 02 giải nhì, mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng được trao cho huyện, thành phố có số lượng bài dự thi cao, nộp đúng quy định và có cá nhân đạt giải.

- 03 giải ba, mỗi giải 2.000.000 đồng được trao cho huyện, thành phố có bài dự thi trung bình và nộp đúng quy định.

Đối với các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh:

- 01 giải nhất trị giá 4.000.000 đồng được trao cho ngành, đoàn thể có số lượng bài dự thi cao, nộp đúng quy định và có nhiều cá nhân đạt giải.

- 02 giải nhì, mỗi giả 3.000.000 đồng được trao cho đơn vị có số lượng bài dự thi cao, nộp đúng quy định và có cá nhân đạt giải.

- 03 giải ba, mỗi giải 2.000.000 đồng được trao cho đơn vị có bài dự thi trung bình và nộp đúng quy định.

Các giải nhất, nhì phong trào và giải A, B cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; các giải còn lại Giám đốc Sở Tư pháp tặng Giấy khen.

 

* CÂU HỎI DỰ THI

Câu 1. Từ năm 1945 khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 
(nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đến nay, nước ta có mấy 
bản Hiến pháp? Các bản Hiến pháp đó được Quốc hội thông qua vào ngày, tháng, năm nào?

Câu 2. Bản Hiến pháp mới được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013 (Hiến pháp năm 2013) có hiệu lực từ ngày, tháng, năm nào? So với Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) có bao nhiêu điều được giữ nguyên? Có bao nhiêu điều được sửa đổi, bổ sung? Điều sửa đổi, bổ sung nào bạn tâm đắc nhất? Vì sao?

Câu 3. Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Nước Cộng hòa xã hội 
chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc 
về Nhân dân…”. Bạn hãy nêu và phân tích ngắn gọn các quy định của Hiến pháp năm 2013 về những cách thức để Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước.

Câu 4. Những quy định nào của Hiến pháp năm 2013 thể hiện tư tưởng 
đại đoàn kết dân tộc?

Câu 5. Những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 so với Hiến pháp 
năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) về quyền con người, quyền và nghĩa vụ 
cơ bản của công dân? Điểm mới nào bạn tâm đắc nhất?  Vì sao?

Câu 6. Những điểm mới, quan trọng về vị trí, chức năng của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân trong Hiến pháp năm 2013. Phân tích điểm mới 
về mối quan hệ giữa các cơ quan đó trong thực hiện quyền lực Nhà nước?

Câu 7. Cấp chính quyền địa phương quy định trong Hiến pháp năm 2013 gồm những cơ quan nào? Bạn hãy nêu nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với Nhân dân.

Câu 8. Hiến pháp năm 2013 quy định như thế nào về trách nhiệm của 
đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đối với cử tri và Nhân dân?

Câu 9. “…Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (trích Lời 
nói đầu Hiến pháp năm 2013)

Theo bạn, Nhà nước và mỗi người dân có trách nhiệm làm gì và làm như thế nào để thi hành và bảo vệ Hiến pháp?

(Riêng câu 09 viết không quá 1.000 từ tương đương 03 trang A4 viết tay hoặc đánh máy tính cỡ chữ 14 Times New Roman)