MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ THUỐC LỢI TIỂU

12:59:00 29/01/2016

Vấn đề phối hợp thuốc

          Điều trị cao huyết áp bằng thuốc hạ huyết áp đơn thuần: Tăng hiệu quả khi phối hợp với thuốc lợi tiểu, nhất là các thuốc ức chế men chuyển angiotensin. Các thuốc giãn mạch như hydralazin, minoxidil thì lại dễ gây phù, cần giải quyết bằng thuốc lợi tiểu. Khi phải dùng thiazid kéo dài gây tăng acid uric máu (bệnh gout), nên phối hợp thêm thuốc tăng thải trừ acid uric (probenecid, allopurinol).

          Có thể kết hợp thuốc lợi tiểu làm giảm kali máu với thuốc lợi tiểu làm tăng kali máu. Ngoài ra không nên phối hợp các thuốc lợi tiểu với nhau, nhất là những thuốc có cùng nhóm hóa học vì không làm tăng tác dụng thải Na+, trái lại làm tăng tác dụng thải K+. Hạ K+ có nhiều nghuy hiểm, ngoài ra còn làm tăng độc tính của digitalis và kéo dài tác dụng của cura.

          Lợi tiểu giữ K+ và lợi tiểu quai hoặc thiazid: nếu hạ K+ máu do thuốc lợi tiểu quai hoặc thiazid không điều chỉnh được bằng chế độ ăn hoặc cho uống KCl thì có thể phối hợp kiểu này. Nhưng không dùng cho bệnh nhân suy thận vì có thể sẽ gây tăng K+ máu.

          Lợi tiểu quai và thiazid

          Sau vài lần dùng thuốc lợi tiểu quai, một số bệnh nhân có hiện tượng kháng thuốc, có thể phối hợp 2 thuốc tác động ở 2 vị trí khác nhau.

          Tái hấp thu nước và muối ở đoạn lên quai Henle hoặc ống lượn xa có thể tăng lên khi đoạn khác bị phong tỏa. Khi phong tỏa cả 2 sẽ có hiệp đồng tăng mức.

          Thiazid gây thải Na+ ở mức trung bình ở ống lượn gần, nó thường giảm tác dụng do phản ứng tăng tái hấp thu ở nhánh lên quai Henle, phối hợp 2 thuốc sẽ giảm tái hấp thu cả 3 đoạn.

          Không nên phối hợp cho bệnh nhân nội trú.

           Phối hợp acid etarynic hoặc furosemid với các kháng sinh có độc với dây thần kinh thính giác (như streptomycin) có thể gây điếc vĩnh viễn.

Các rối loạn và tai biến khi dùng thuốc lợi tiểu

Những rối loạn trao đổi nước và điện giải: thường gặp các rối loạn của ion Na+, K+, HCO3-  và thăng bằng acid-base.

Những rối loạn chuyển hóa không liên quan đến tác dụng lợi tiểu:

Tác dụng sinh đái tháo đường

Làm tăng acid uric máu

Làm rối loạn chuyển hóa calci

Kháng thuốc lợi tiểu

Khi thuốc lợi tiểu mất tác dụng thì thay bằng thuốc mạnh hơn (thay thiazid bằng thuốc lợi tiểu quai). Tuy nhiên thuốc lợi tiểu quai cũng có thể bị giảm tác dụng do nhiều nguyên nhân: do thuốc chống viêm NSAID ức chế tổng hợp prostaglandin, làm giảm dòng máu tới thận. Trong suy thận mạn, sự giảm dòng máu tới thận sẽ làm giảm lượng thuốc lợi tiểu vận chuyển tới thận, và sự tích lũy acid hữu cơ nội sinh có tranh chấp với lợi tiểu quai tại quá trình vận chuyển tại ống lượng gần. Trong hội chứng thận hư, protein trong nước tiểu gắn thuốc lợi tiểu, làm giảm nồng độ thuốc gắn vào receptor. Trong xơ gan và suy tim, ống thận có thể giảm đáp ứng với thuốc lợi tiểu cơ chế còn chứ rõ.

          Khi kháng thuốc, cần lựa chọn trong các giải pháp sau:

          Bệnh nhân nằm nghĩ để cải thiện tuần hoàn thận

          Tăng liều lượng thuốc lợi tiểu quai

          Dùng các liều thấp nhiều lần, hoặc truyền tĩnh mạch liên tục thuốc lợi tiểu quai để làm tăng thời gian tồn tại nồng độ thuốc có hiệu lực tại nơi tác động.

          Phối hợp thuốc lợi tiểu có vị trí tác động khác nhau.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Phạm Thị Tâm ĐHYD Cần Thơ: Bài giảng sinh lý “Điều hòa thể tích nước tiểu”.

2. Đào Văn Phan (2004), Dược lý học lâm sàng. Nhà xuất bản Y học Hà Nội.

3. Trần Thị Thu Hằng (2009), Dược lực học, Tái bản lần thứ 12. Nhà xuất bản Phương Đông.

 

DSCKI. Phạm Văn Voi