CÁC PHÒNG CÁC KHOA
Liên kết |
CHUYÊN ĐỀ THÁNG 04 NĂM 2018 “Phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”10:17:00 27/04/2018
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Trong bầu trời, không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân… Trong xã hội, không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”. Vì vậy, “việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”. Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, kính dân, phải thân với dân, gần nhân dân để hiểu được nhân dân. Cùng với đó, cán bộ, đảng viên phải biết phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của tập thể, lợi ích của nhân dân. Bác nói: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng… Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại…”. Theo Bác, gắn bó mật thiết với phong cách dân chủ là phong cách quần chúng. Bác yêu cầu người cán bộ phải có phong cách làm việc quần chúng, xuất phát từ vấn đề có tính nguyên tắc về vai trò của quần chúng nhân dân: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Phong cách quần chúng yêu cầu người cán bộ phải gần gũi quần chúng, lắng nghe và thấu hiểu mong muốn của quần chúng. Người cán bộ phải thường xuyên đi xuống cơ sở mà mình phụ trách, tìm hiểu thực trạng đời sống, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Người khẳng định: nếu “cách xa dân chúng, không liên lạc chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”. Phong cách quần chúng không có nghĩa là “theo đuôi quần chúng”, vì theo Bác, “Trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau”. Người cán bộ phải có bản lĩnh vững vàng để vừa nâng cao trình độ giác ngộ, dân trí của quần chúng, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của một bộ phận quần chúng “chậm tiến”, vừa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình. Phong cách quần chúng Hồ Chí Minh là phải biết cách tổ chức phong trào phù hợp với trình độ, năng lực thực tế của quần chúng, không chủ quan, duy ý chí, áp đặt thực tiễn theo ý mình. Theo Người, “nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào “khoét chân cho vừa giầy”… Ai cũng đóng giầy theo chân. Không ai đóng chân theo giầy”. Người khẳng định: “cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo, v.v. của chúng ta, đều phải lấy câu này làm khuôn phép: “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”, “dựa vào lực lượng quần chúng”. Học tập phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cán bộ, đảng viên làm công tác y tế cần thể hiện rõ trong các thói quen sinh hoạt hàng ngày. Người cán bộ y tế phải giản dị, hòa đồng với quần chúng, không cho phép mình hưởng điều gì có tính chất “đặc quyền, đặc lợi”. Người cảnh tỉnh những suy nghĩ lệch lạc trong cán bộ, rằng “phải ăn mặc bảnh mới giữ được oai tín, giữ được thể diện”. Khi người cán bộ y tế thấm nhuần tác phong quần chúng, họ sẽ được quần chúng nhân dân yêu thương, tin cậy, ủng hộ và khi đó, việc gì họ làm cũng thành công. Học tập và làm theo phong cách dân chủ, quần chúng Hồ Chí Minh là một nội dung rất quan trọng và rất cần thiết đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên y tế mà nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý phải quán triệt và thực hành thường xuyên. Trên cơ sở nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta phấn đấu học tập và noi theo tấm gương sáng ngời của Người suốt một đời vì nước, vì dân. Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là kết tinh giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, cùng sự hòa quyện tinh hoa văn hóa nhân loại, là tài sản vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, để học Bác và làm theo Bác, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhân viên y tế phải nỗ lực phấn đấu làm nhiều việc tốt vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Trong xây dựng Đảng, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục những hạn chế, yếu kém, xây dựng Đảng ta thực sự là Đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân. Từ lâu, cán bộ y tế luôn được nhắc nhở và thực hành “tác phong quần chúng”, nghĩa là phải gần gủi người bệnh, đồng cam, cộng khổ với người bệnh, tính cách giản dị hòa đồng. Tuy nhiên, cái tác phong rất cần có của người cán bộ y tế, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo không được nhắc nhở thường xuyên và giám sát nên họ quên dần đi. Thay vào đó là cách biểu hiện “quan cách”, “quan dạng” xa rời quần chúng, không nắm bắt được thực tế của cuộc sống, nguyện vọng của nhân dân và hệ quả là người dân, đảng viên và nhân viên y tế không còn tin yêu vào người cán bộ lãnh đạo y tế nữa. Có những cán bộ y tế tỏ ra mình là người có trách nhiệm gần gủi với người bệnh nhưng những biểu hiện và ứng xử lại gây phản cảm với người bệnh và người nhà người bệnh. Ví dụ như khi đi thăm bệnh phòng nhưng đồng phục chuyên môn không đúng quy định của ngành, đứng ngoài cửa phòng nhìn vào vì ngại vào phòng bệnh, giao tiếp với người bệnh kiểu “nhát gừng”, “trống không” hoặc “tôi đã bảo thế này...”, “tôi là bác sỹ ...”. Hiện tại, cái tâm lý “sợ người bệnh và người nhà người bệnh ” khá phổ biến trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo y tế của chúng ta. Sợ dân mới hạn chế giao tiếp với dân, thậm chí không tổ chức họp Hội đồng người bệnh cấp khoa, cấp bệnh viện, không trực tiếp đối thoại với dân, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới. Sợ dân là biểu hiện và cũng là hệ quả của việc xa dân, coi dân như đối tượng “cai trị” của mình, đó thực sự là cách từ chối sẽ che chở, bao bọc và ủng hộ của dân, tự đặt mình vào nỗi “cô đơn lãnh đạo”. Gần dân, vì nhân dân là cách tốt nhất để xây dựng hình ảnh một lãnh đạo, một cán bộ y tế có uy tín, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng một bộ máy chính quyền vững mạnh. Ở đâu có người bệnh, ở đó có cán bộ y tế thì việc gì ngành y tế đề ra người dân cũng ủng hộ. Tác phong quần chúng đáng quý ấy đã mất, giờ đến lúc cần khôi phục lại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu gương và nhiệm vụ của chúng ta là học tập và nhân rộng./. BSCKII. Châu Quốc Lượng |