CÁC PHÒNG CÁC KHOA
Liên kết |
Bệnh dại và cách phòng chống10:26:00 19/09/2019
1. Bệnh dại. Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Bệnh thường lưu hành ở các nước thuộc khu vực châu Á và châu Phi. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó Tác nhân gây bệnh do vi rút Dại gây ra. Vi rút dại xâm nhập vào cơ thể chủ yếu thông qua vết cắn, được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết. Vi rút dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu lâm sàng. 2. Nguồn bệnh và thời gian ủ bệnh. a) Loài mắc: Động vật máu nóng, chủ yếu là chó, mèo. b) Nguồn bệnh: chủ yếu là chó (trên 90%), mèo nuôi và động vật hoang dã như chó sói, chó rừng, chồn, cầy, cáo và một số loài động vật có vú khác. c) Đường lây truyền: Vi rút xâm nhập qua các vết cắn, vết liếm, vết cào, da, niêm mạc bị tổn thương, vết thương hở. d) Thời gian ủ bệnh ở người thông thường là từ 1 - 3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ lây truyền ở chó nhà là từ 3-7 ngày (tối đa là 10 ngày) trước khi chó có triệu chứng dại và trong suốt thời kỳ phát bệnh. Ở người, vi rút đào thải qua các chất tiết (nước bọt, nước mắt, nước tiểu ...) của người bệnh trong suốt thời gian phát bệnh. Tuy nhiên, khả năng lây truyền từ người sang người là vô cùng hiếm gặp. 3. Các biểu hiện của bệnh dại ở chó, mèo. Chó nghi dại thường có các biểu hiện lâm sàng chia thành 2 thể là thể điên cuồng và thể dại câm (bại liệt) đôi khi chó có cả 2 thể lâm sàng xen kẽ nhau, thời gian đầu có biểu hiện điên cuồng, bị kích động rồi sau đó chuyển sang dạng bị ức chế và bại liệt. a) Thể điên cuồng chỉ chiếm khoảng 1/4 các trường hợp: các phản xạ vận động bị kích thích mạnh, cắn sủa người lạ dữ đội, quá vồ vập khi chủ gọi, chỉ cần có tiếng động nhẹ cũng nhảy lên sủa từng hồi dài, dữ tợn, điên cuồng (2-3 ngày sau khi phát bệnh). Con vật bỏ nhà ra đi và thường không trở về; trên đường đi, gặp vật gì lạ nó cũng cắn gặm, ăn bừa bãi, tấn công chó khác, kể cả người. Chó chết do liệt cơ hô hấp và do kiệt sức vì không ăn uống được. b) Thể dại câm: Con vật có thể bị bại ở một phần cơ thể, nửa thân hoặc 2 chân sau, thường là liệt cơ hàm, nước dãi chảy lòng thòng, con vật không cắn, sủa được, chỉ gầm gừ trong họng. Đối với chó con triệu chứng dại thường không điển hình nhưng tất cả các con chó bị mắc bệnh dại đều chết trong vòng 10 ngày kể từ khi chó có triệu chứng dại đầu tiên. Mèo ít bị mắc dại hơn chó. Bệnh dại ở mèo cũng tiến triển như ở chó; mèo hay núp mình vào chỗ vắng hoặc hay kêu, bồn chồn như khi
4. Biểu hiện trên người khi mắc bệnh dại. Các triệu chứng bệnh dại sớm giống như cúm, bao gồm: Sốt trên 38 độ C; Đau đầu; Lo lắng; Cảm thấy không khỏe; Đau họng và ho; Buồn nôn và ói mửa; Sự khó chịu có thể xảy ra ở vị trí vết cắn; Những dấu hiệu này có thể kéo dài từ 2 đến 10 ngày, và xấu đi theo thời gian; (Buồn nôn và ói mửa là các triệu chứng bệnh dại sớm). Thời kỳ thần kinh cấp tính biểu hiện triệu chứng thần kinh phát triển, bao gồm: Nhầm lẫn và hung hăng; Liệt một phần, co giật cơ không tự chủ và cứng cổ; Co giật; Thở nhanh và khó thở; Quá mẫn hoặc tiết ra nhiều nước bọt và có thể sùi bọt mép; Sợ nước do khó nuốt; Ảo giác, ác mộng và mất ngủ; Cương cứng vĩnh viễn ở nam giới; Sợ ánh sáng; Đến cuối giai đoạn này hơi thở trở nên nhanh khó kiểm soát. Hôn mê và tử vong: Nếu người mắc bệnh dại hôn mê, trừ khi họ được gắn vào máy thở, nếu không sẽ chết trong vòng vài giờ. Hiếm khi một người có thể phục hồi ở giai đoạn muộn này. 5. Các biện pháp phòng, chống bệnh dại. 5.1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo. Chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. 5.2. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: - Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45°-70° hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. - Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. Trường hợp bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn khâu vết thương sau vài giờ đến 3 ngày và nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi sau khi đã tiêm phòng bế huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương. - Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại. - Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh Dại. 5.3. Điều trị khi nghi ngờ bệnh dại. - Cách ly, điều trị người bệnh tại bệnh viện với sự chăm sóc đặc biệt về y tế. - Tránh tiếp xúc với các chất tiết của bệnh nhân trong suốt thời gian mắc bệnh. - Sát trùng tẩy uế đối với nước bọt và các đồ vật bị nhiễm chất tiết của người bệnh bằng các hóa chất diệt khuẩn thông thường. - Những người chăm sóc, phục vụ trực tiếp người bệnh nên dùng găng tay, mặc áo choàng, đeo khẩu trang. - Điều tra người tiếp xúc, nguồn lây nhiễm tại gia đình và cộng đồng để điều trị dự phòng bệnh dại cho những người bị phơi nhiễm tại khu vực ổ dịch. - Khi ngườ bệnh lên cơn dại tử vong 100%. Sau khi người bệnh tử vong thì tiến hành sát trùng tẩy uế lần cuối tại gia đình, tại bệnh viện, phương tiện vận chuyển và mai táng bệnh nhân tử vong theo quy định đối với bệnh truyền nhiễm gây dịch nhóm B. 5.4. Phòng ngừa cho đối tượng nguy cơ và các gia đình nuôi chó mèo. - Trường hợp người có nguy cơ cao với vi rút dại như người làm nghề giết mổ chó, người đi đến khu vực có lưu hành bệnh dại cần đến cơ sở y tế, Trung tâm Y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại. - Đối với động vật bị dại hoặc nghi mắc bệnh dại, gia đình cần phối hợp với cơ quan thú y, chính quyền địa phương xử lý. Thực hiện tiêu hủy động vật bị mắc bệnh hoặc chết vì bệnh dại, vệ sinh, khử trùng tiêu độc vùng ổ dịch. Tất cả chó, mèo trong vùng dịch phải được nhốt, cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh dại. Không được vận chuyển đưa chó mèo ra, vào vùng có dịch. Những người trực tiếp làm vệ sinh, khử trùng tiêu độc phải thực hiện đầy đủ biện pháp phòng hộ theo hướng dẫn của cơ quan thú y. - Đối với chó, mèo nuôi có đăng ký đã được tiêm phòng dại hằng năm, cần theo dõi con vật trong 14 ngày. Đối với chó, mèo không tiêm phòng dại, khi nghi mắc bệnh dại mà đã cắn, cào người thì phải nhốt theo dõi trong 90 ngày. Bs. CKII. Đặng Hải Đăng |