Cúm A/H1N1 bùng phát ở miền Tây

19:55:00 04/07/2013

Trong tháng 6-2013, các tỉnh miền Tây có khoảng 15 trường hợp dương tính với virus cúm A/H1N1 làm 5 người tử vong

Các cơ quan y tế khuyến cáo, khi bệnh nhân nghi nhiễm cúm A/H1N1 phải cho uống thuốc ngay chứ không chờ kết quả xét nghiệm

NHIỀU TRƯỜNG HỢP NHIỄM CÚM

 

(CATP) Ngày 1-7, ngành y tế khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khuyến cáo, cúm A/H1N1 bùng phát mạnh và đã có một số trường hợp tử vong. Sau khi có kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TPHCM, Bệnh viện đa khoa khu vực Cái Nước xác nhận, chị Trần Thị Mùa (SN 1983, ngụ khóm 5, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, Cà Mau) dương tính với cúm A/H1N1. Ngày 27-6, chị Mùa nhập viện với triệu chứng sốt cao, ho và khó thở. Được các bác sĩ tận tình cứu chữa, đến nay kết quả chụp X-quang cho thấy phổi của bệnh nhân phục hồi tốt.

Ngành y tế đang tiêu độc khử trùng những nơi có bệnh

 Theo báo cáo của ngành y tế tỉnh Cà Mau, từ ngày 20 đến 27-6, tỉnh có ba trường hợp nhiễm cúm A/H1N1. Đó là ông Lê Hoàng Bé, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh. Khi đi công tác TP.Hà Nội về, ông Bé bị nóng sốt. Gần một tuần điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau, sức khỏe ông Bé có chiều hướng xấu. Bệnh nhân sốt cao, khó thở, đã được chuyển lên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TPHCM. Kết quả xét nghiệm, ông Bé dương tính với cúm A/H1N1. Cũng bị nhiễm căn bệnh trên, ông Lương Văn Đua (67 tuổi, ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau) đã bình phục sức khỏe sau 10 ngày điều trị.

Một bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 đang điều trị

 Hiện nay, cúm A/H1N1 diễn biến phức tạp tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. UBND huyện Long Mỹ, Hậu Giang xác nhận, ông Lý Văn Thanh (55 tuổi, ngụ ấp 12, xã Vĩnh Viễn) vừa tử vong do nhiễm cúm A/H1N1. Theo Trung tâm y tế dự phòng huyện Long Mỹ, ngày 18-6, ông Thanh nhập viện có triệu chứng sốt, ho. Ngày 24-6, gia đình chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện đa khoa huyện Long Mỹ. Ngày 27-6, bệnh tình của ông Thanh có chiều hướng xấu nên chuyển đến Bệnh viện Quân y 121, TP.Cần Thơ để tiếp tục theo dõi. Tuy nhiên do bệnh quá nặng, ông Thanh đã tử vong. Kết quả xét nghiệm, ông Thanh dương tính với cúm A/H1N1. Đây là trường hợp nhiễm cúm tử vong đầu tiên tại tỉnh Hậu Giang.

Các địa phương khác như: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp... cũng có bệnh nhân nhiễm cúm. Trường hợp nhiễm cúm đầu tiên dẫn đến tử vong là ông Lý Kim Sến (60 tuổi, ngụ xã An Long, huyện Tam Nông, Đồng Tháp). Theo người thân, trước khi nhiễm bệnh ông Sến có ăn thịt vịt đã nấu chín. Ngay sau đó, Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang phát hiện bốn cán bộ dương tính với cúm A/H1N1. Ngày 8-6, bà Phan Thị Lài (ngụ huyện Măng Thít, Vĩnh Long) mua gà làm sẵn ở chợ Tân Long về nhà chế biến. Ngày 11-6, bà bị nóng sốt. Bốn ngày sau, gia đình đưa bệnh nhân nhập viện nhưng không qua khỏi. Tại Bến Tre, một người dân ngụ ấp An Thuận A (xã Mỹ Thạnh An, TP.Bến Tre) cũng tử vong vì nhiễm cúm.

Thịt gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán ở chợ

 KHÔNG ĐỂ DỊCH VƯỢT TẦM KIỂM SOÁT

Ngay sau khi phát hiện bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1, ngành y tế các địa phương đã phun thuốc khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh và hướng dẫn người thân của bệnh nhân cách phòng, chống bệnh. Theo ngành y tế, nếu phát hiện kịp thời, điều trị đúng theo phác đồ thì sẽ không nguy hiểm cho bệnh nhân. Trường hợp bốn cán bộ Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang nhiễm bệnh được điều trị theo đúng phác đồ, đến nay đã qua cơn nguy kịch.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau, cho biết ngoài việc tuyên truyền cho người dân ý thức đề phòng chống bệnh, các bác sĩ điều trị cần linh hoạt trong công tác khám và chữa trị. Bác sĩ Dân nói: “Khi bệnh nhân nhập viện có dấu hiệu nhiễm cúm, y bác sĩ phải cho uống thuốc đặc trị ngay. Nếu chờ ba ngày có kết quả xét nghiệm mới điều trị, bệnh nhân tử vong rồi”. Bên cạnh công tác vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng tại nơi có người nhiễm cúm, ngành y tế tỉnh Vĩnh Long đã thành lập tổ trực chống dịch 24/24. Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long mua thêm thuốc đặc trị Tamiflu để cấp cho các cơ sở trực thuộc, phục vụ kịp thời trong công tác điều trị.

Theo nhận định của ngành y tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bệnh cúm A/H1N1 đã xuất hiện cúm mùa. Nếu được phát hiện sớm khi có các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, nhức đầu... thì bệnh nhân được cách ly điều trị sẽ sớm khỏi bệnh và tránh lây lan ra cộng đồng. Hiện nay, ngành y tế tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân ý thức phòng chống bệnh nhằm giảm thiểu tối đa số lượng người chết vì cúm A/H1N1

Nguồn: Báo Công An: Đăng Khoa