LỢI ÍCH CỦA ĐO HUYẾT ÁP TẠI NHÀ

13:43:00 27/08/2015

Tăng huyết áp (THA) là một yếu tố nguy cơ cao đối với bệnh tim mạch ở các nước phát triển và tại nước ta. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization-WHO) THA đang ngày một gia tăng và gây ra 7,1 triệu người tử vong hàng năm, tương đương 13% tổng tử vong và chiếm 4,5% gánh nặng bệnh tật chung toàn cầu. Thống kê cho thấy, năm 2000 trên toàn cầu có khoảng 1 tỷ người bị THA (26,4%) dự kiến sẽ sẽ tăng lên 1,5 tỷ người (29,2%) vào năm 2025.           THA chiếm 12,7% tỷ lệ mắc bệnh toàn cầu. Tần suất THA trên thế giới là khoảng 41% ở các nước phát triển và 32% ở các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, thống kê cho thấy năm 1960 tỷ lệ THA khoảng 1%, năm 1992 chiếm 11,2%, năm 2001 chiếm 16,3% và năm 2005 là 18,3%. Khảo sát năm 2008 của Viện Tim mạch Việt Nam ở người lớn tại 8 tỉnh và thành phố thì tỷ lệ THA là 25,1%, như vậy cứ 4 người lớn thì có 1 người bị THA tương đương 11 triệu người THA (khoảng 88 triệu dân). Trong số những người bị THA có tới 52% (5,7 triệu người) là không biết mình bị THA; 30% (1,6 triệu người) đã biết bị THA nhưng vẫn không có một biện pháp điều trị nào và 64% (2,4 triệu người) THA đã được điều trị nhưng vẫn chưa đạt được HA mục tiêu. Như vậy hiện nay Việt Nam có khoảng 9,7 triệu người dân hoặc là không biết bị THA, hoặc THA nhưng không được điều trị hoặc có điều trị nhưng chưa đạt được HA mục tiêu.

Tăng huyết áp nếu không được điều trị đúng và đầy đủ sẽ có rất nhiều biến chứng, thậm chí có thể gây tử vong hoặc để lại các di chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lao động của người bệnh, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. THA gây nhiều biến chứng nguy hiểm như:

- Tim: cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim…

- Não: xuất huyết não, nhũn não, bệnh não do THA…

- Mắt: mờ mắt, xuất huyết, xuất tiết và phù gai thị.

- Thận: đái ra protein, phù, suy thận…

- Mạch máu: phình hoặc phình bóc tách thành động mạch, các bệnh động mạch ngoại vi…

 

 

Đa phần THA đều không tìm được nguyên nhân, chiếm khoảng 90% các bệnh nhân bị THA gọi là THA nguyên phát.  Có khoảng 10% bệnh nhân bị THA tìm được nguyên nhân gọi là THA thứ phát. Do đó những triệu chứng của THA thường không đặc hiệu và người bệnh không thấy có gì khác biệt so với người bình thường.

Điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam tại 4 tỉnh phía Bắc năm 2003 cho thấy THA là nguyên nhân hàng đầu gây suy tim chiếm 10% tại cộng đồng ở người lớn. Năm 2005 có tới 46% bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được điều trị tại Viện Tim mạch Việt Nam liên quan với THA. Năm 2003 có hơn 1/3 bệnh nhân tai biến mạch não điều trị tại Khoa Thần kinh bệnh viện Bạch Mai có nguyên nhân là THA. Vì vậy việc kiểm tra HA thường xuyên, nhất là những người có những yếu tố nguy cơ về tim mạch, là hết sức cần thiết và quan trọng.

Tăng huyết áp là tình trạng HA tâm thu (TT) lớn hơn 140 mmHg, HA tâm trương (TTr) lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg trở lên. Các chỉ số này có thể tăng hoặc giảm tuỳ thuộc vào các yếu tố giới tính, tuổi tác và thói quen sinh hoạt. THA có thể là tăng một trong hai chỉ số này.

Huyết áp (HA) là áp lực máu trong lòng động mạch, tạo nên một vòng tuần hoàn đi khắp cơ thể. HA được hình thành do lực co bóp cơ tim và sức cản động mạch và dao động trong ngày, tăng lên khi gắng sức, tập thể dục, hoạt động nặng và thấp hơn lúc nghỉ, nhất là khi ngủ. Đo HA là phương pháp duy nhất và chính xác để chẩn đoán xác định THA.

Triệu chứng bệnh THA rất phức tạp và biểu hiện tuỳ thuộc theo thể trạng của từng người. Các triệu chứng thường gặp như nhức đầu, chóng mặt, ù tai, mất ngủ, hoa mắt, chóng mặt, đau vùng tim, giảm thị lực, thở gấp, mặt đỏ bừng tái xanh, nôn ói, hồi hộp, hốt hoảng…Việc nhận biết các triệu chứng bệnh THA cần phải xem xét THA có nguyên nhân vận động hay là THA do bệnh lý gây ra hay không. Người già THA nhiều hơn ở người trẻ, nam THA nhiều hơn nữ. Vì vậy, để nhận biết được tình trạng bệnh thực sự, người bệnh cần được thăm khám và theo dõi một cách kỹ lưỡng và liên tục.

 

 

 

 

          Nghiên cứu của Hội tim mạch Hoa kỳ (American Heart Association – AHA) cho thấy nhiều bệnh nhân mắc phải hội chứng “THA áo choàng trắng” một hiện tượng cho thấy HA của bệnh nhân tăng lên do lo lắng vì đang ở phòng khám của bác sĩ. Do đó dẫn tới chuẩn đoán thái quá hay chuẩn đoán sai lệch về THA. Theo các nghiên cứu, khoảng 30% bệnh nhân THA khi đến phòng khám của bác sĩ thực sự có chỉ số HA thấp hơn khi họ tự đo ở nhà.

          Khi Bác Sỹ đo HA người bệnh có thể lo lắng và gây nên THA còn gọi là hội chứng “Áo choàng trắng”. Các trạng thái khác nhau đều ảnh hưởng tới HA, kết quả đo HA một lần không đủ cho việc chẩn đoán một cách chính xác THA mà phải đo nhiều lần. HA luôn dao động liên tục thay đổi với mỗi nhịp tim tùy thuộc vào sự vận động của tim và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường và trạng thái tinh thần khác nhau, HA đo được buổi sáng khác với buổi tối và dao động trong cả ngày. Vì vậy, cần phải đo HA đều đặn tại cùng một thời điểm mỗi ngày và ghi lại kết quả.

          Đo HA thường xuyên giúp bạn kiểm soát được HA và hạn chế tối đa các biến chứng của THA, nhưng không phải ai cũng có điều kiện thường xuyên để đến phòng khám hay bệnh viện để kiểm tra. Vì thế, hiện nay đo HA tại nhà được các Hội tim mạch trên thế giới khuyến cáo. Nhưng để đo HA chính xác cần phải biết cách đo HA cho đúng và sử dụng một loại máy đo thích hợp. Theo khuyến cáo của Hội tim mạch Canada (Canadian Hypertension Education Program – CHEP) 2015 thì đo HA bằng máy đo HA điện tử có băng quấn cánh tay tốt hơn máy đo HA đồng hồ bằng phương pháp nghe.

          Mộ số điểm cần lưu ý trong khi đo HA:

          - Nghỉ ngơi 15 phút trước khi đo HA.

          - Không uống rượu, cà phê trước đó.

          - Tránh ăn, uống, tập thể dục ít nhất 30 phút trước khi đo HA.

          - Không cử động người và nói chuyện trong khi đo.

          - Tránh đo HA khi đang căng thẳng.

          - Đảm bảo tư thế đo HA đúng. Nếu ngồi trên ghế thì bàn chân đặt trên mặt nền phẳng và đặt cánh tay lên bàn sao cho ngang với tim.

          - Nên quấn vòng băng sát da tay hoặc chỉ trên lớp áo mỏng.

          - Hít thở sâu 5 – 6 lần trước khi bắt đầu đo HA.

          - Không nên đo HA liên tục trong thời gian ngắn.

          - Nên đo HA vào cùng một thời điểm mỗi ngày cùng với một máy đo và lưu lại kết quả đo.

          - Không được nói chuyện, cử động tay, máy đo luôn đặt ở vị trí ngang tim. Nếu máy báo lỗi thì tìm nguyên nhân và tiến hành đo lại, mỗi lần đo cách nhau ít nhất 3 phút. Đo xong nếu không dùng nữa cần tháo pin ra để bảo quản máy và pin.

- Khi đo đúng thao tác, biểu tượng trái tim sẽ ngừng nhấp nháy. Các con số trên màn hình sẽ cho biết HA và nhịp mạch của mình. Người bệnh cần ghi lại ngày giờ và kết quả đo HA vào một quyển sổ nhỏ để theo dõi.

Cách đo HA bằng máy đo HA điện tử loại băng quấn cánh tay.

Cho người bệnh nằm thoải mái tại giường hoặc ngồi. Quấn băng HA vào phần cánh tay ở phía bên trong, cách nếp gấp khuỷu tay 3cm, quấn băng HA vừa chặt với cánh tay, đặt ngang với vị trí của tim.

Bấm nút START/STOP để tiến hành đo HA, máy sẽ tự động bơm hơi và xả hơi, khi có âm thanh kêu “bíp” là báo hiệu là việc đo HA đã hoàn thành.

 

 

         Nếu HA tối đa dự kiến của bạn cao hơn 210 mmHg. Sau khi vòng băng bắt đầu bơm hơi, ấn và giữ phím START/STOP cho tới khi máy bơm hơi cao hơn HATT dự kiến của bạn từ 30 tới 40 mmHg.

          Cần nhớ rằng:

          - Máy sẽ không bơm hơi quá 299 mmHg.

          - Không nên bơm hơi quá mức cần thiết.

          - Để dừng hoặc hủy quá trình đo, ấn phím START/STOP để tắt máy và xả hết khí trong vòng bít.

          Nếu HATT hoặc HATTr tăng cao nằm ngoài phạm vi cho phép, biểu tượng nhịp tim sẽ nhấp nháy khi kết quả đo được hiển thị. Nghiên cứu gần đây cho thấy các giá trị dưới đây được xem là THA khi đo HA tại nhà.

          - HATT > 135 mmHg, HATTr > 85 mmHg.

Khi nào cần đo HA tại nhà.

- Người từ 30 – 40 tuổi trở lên nên thường xuyên đo HA khoảng 1 tháng 1 lần.

- Người bị nghi ngờ THA thì đo nhiều lần hơn.

- Người đã bị THA nên đo HA nhiều lần hơn và tốt nhất nên đo hằng ngày. Nếu thấy cần thiết, Bác Sỹ có thể yêu cầu đo 2 – 3 lần/ngày hoặc nhiều lần hơn nữa. Chỉ nên dùng một loại máy đo HA để theo dõi thường xuyên. Vì phải đo nhiều lần như vậy nên mỗi gia đình cần có một máy đo HA riêng. Hiện nay, có nhiều loại máy đo HA điện tử chạy bằng pin hoặc điện rất tiện cho người sử dụng và cho kết quả chính xác.

Tóm lại: Ở những người lớn tuổi, dù có THA hay không thì chúng ta vẫn nên đo HA tại nhà đều đặn. Bởi lẽ nếu chưa bị THA thì bệnh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong tương lai. Nếu đã được chẩn đoán tiền THA hay đã bị THA thì việc đo HA đều đặn sẽ hỗ trợ người bệnh và Bác Sỹ trong việc thay đổi lối sống, chế độ ăn, sử dụng thuốc và liều lượng thích hợp.

Châu Quôc Lượng