CÁC PHÒNG CÁC KHOA
Liên kết |
CHUYÊN ĐỀ THÁNG 05 NĂM 2018 “Phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh”15:21:00 02/07/2018
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hướng tới một chủ nghĩa nhân văn cao cả và trong sáng. Điều đó đã trở thành hoài bão, là mục tiêu và động lực chiến đấu kiên cường và bất khuất của Người. Mục tiêu lý tưởng chủ nghĩa nhân văn của Bác là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và đi đến giải phóng triệt để con người. Người cho rằng con người là gốc của mọi công việc. Mối quan tâm lớn nhất, xuyên suốt của Bác là vấn đề con người và sự phát triển con người một cách toàn diện, trong đó xem sức khỏe là vốn quý nhất. Người đưa ra những tư tưởng, quan điểm về sức khỏe, về xây dựng và phát triển ngành Y tế Việt Nam từ những tinh túy văn hóa dân tộc và nhân loại. Trong hệ thống các quan điểm đó, vấn đề nêu gương y đức được Bác đặc biệt quan tâm. Tư tưởng nêu gương y đức của Người là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình chỉ đạo xây dựng và phát triển nền y học Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh, muốn nêu gương thì trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm. Trước tiên, cần nêu gương trên ba mối quan hệ đối với mình, đối với người, đối vối việc, đó là: - Đối với mình, phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày; - Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng; - Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc "dĩ công vi thượng" (để việc công lên trên, lên trước việc tư). Năm 1945 khi đất nước vừa độc lập, đứng trước nạn đói đang đến gần, Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân diệt "giặc đói" bằng một hành động cụ thể, mười ngày nhịn ăn một bữa để lấy số gạo đó cứu những người bị đói và chính Bác đã làm gương thực hiện trước. Người đã tiếp thu truyền thống "thương người như thể thương thân” của dân tộc, nâng lên thành triết lý hành động cách mạng vì dân, vì nước trong mỗi con người. Để nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, Bác luôn là một tấm gương đạo đức mẫu mực cho mọi người học tập và noi theo, ở Bác có sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức, đạt tới sự nhất quán giữa công việc và đời tư, giữa đạo đức vĩ nhân và đạo đức đời thường. Bác dạy: "Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương cả về ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được, ta phải: quyết tâm, trí tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất là các đồng chí phải thành công". Bác cho rằng, con người nói chung, đặc biệt là người phương Đông, coi trọng thực tiễn hơn lý thuyết. Chính vì thế, Người nhắc nhở đảng viên: "Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước". Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý. Để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Bác chủ trương: "Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới". Trong gia đình, cha mẹ có thể là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương đối với các em; trong nhà trường, thầy giáo, cô giáo là tấm gương cho học trò; trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác. Trong cuộc sống hằng ngày, người cán bộ, đảng viên chẳng những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng, mà còn phải là tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu. Ở Bác, chúng ta có thể tìm thấy nhiều quan điểm, tư tưởng đạo đức phù hợp với cán bộ, đảng viên và người lao động ngành y. Có thể nói, sau đạo đức của người cán bộ cách mạng nói chung, đạo đức ngành y được Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn đến nhiều nhất, Bác đã tặng cán bộ, đảng viên, người lao động ngành y danh hiệu cao quý và đẹp đẽ nhất: “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Đây chính là yêu cầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra trong phương châm xử thế, hành động và phục vụ của cán bộ, đảng viên, người lao động ngành y đối với người bệnh. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong những bức thư gửi Trường Quân y năm 1946, Hội nghị Quân y năm 1948, Trường y tá Liên khu I năm 1949, Hội nghị Y tế toàn quốc năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh đến trách nhiệm, nghĩa vụ và tình thương, lòng bác ái, hy sinh, sự tận tâm phục vụ, tinh thần đoàn kết học tập tiến bộ và ý thức kỷ luật của cán bộ, nhân viên ngành Y. Cùng với tư tưởng về y đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế tháng 2-1955: “Cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng”. Trong tình thương yêu, có lẽ không có tình thương yêu nào đầm ấm, sâu sắc bằng tình thương của người mẹ. Trong cuộc sống, không có mối tình nào so sánh được với tình mẫu tử. Người thầy thuốc tận tâm, tận lực cứu sống những người bệnh thập tử nhất sinh cũng được coi như người mẹ tái sinh cuộc sống cho họ. Từ tấm lòng lương y như từ mẫu mà nảy sinh ra những đức tính cần thiết của người cán bộ y tế như niềm nở, dịu dàng trong tiếp xúc, tận tình, cẩn trọng, chu đáo khi chăm sóc, ân cần, tỉ mỉ lúc dặn dò và trong những trường hợp khó khăn, nguy kịch thì sẵn sàng chịu khó, chịu khổ, hy sinh, quên mình để làm tròn phận sự cứu người. Có tình thương của người mẹ hiền thì người thầy thuốc tránh được những thói xấu như cầu lợi, kể công, phân biệt đối xử giữa giàu, nghèo, sang, hèn, hách dịch, lạnh lùng khi tiếp xúc, qua loa, tắc trách trong phục vụ, đố kỵ, kèn cựa với đồng nghiệp… “Thầy thuốc như mẹ hiền” là cốt lõi của đạo đức ngành y. Những lời dạy của Bác có sức thuyết phục và sức cảm hóa rất lớn vì Người đã nêu tấm gương sáng chói nhất về lòng thương yêu vô hạn đối với nhân dân, về đức hy sinh cao cả, hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, độc lập, tự do và hạnh phúc cho dân tộc. Học tập Bác, ngành y tế đã có rất nhiều người nêu gương phong cách “Thầy thuốc như mẹ hiền”, đó là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, người Bộ trưởng Y tế đáng kính, chỗ nào có dịch, có bệnh là Ông tìm đến, vượt qua bom đạn, rừng sâu núi thẩm vào tận chiến trường với quyết tâm tìm ra phương thức, cách chữa đạt hiệu quả cao đối với đồng bào chiến sĩ miền Nam và ngày 7/11/1968 Ông đã anh dũng hy sinh trong khi thực hiện sứ mệnh cao cả đó. Đó là Giáo sư Tôn Thất Tùng với hai “bàn tay vàng” đã cứu sống biết bao nhiêu người, bằng phương pháp mổ gan không chảy máu nổi tiếng trên thế giới. Đó là Giáo sư Đặng Văn Ngữ, người thầy thuốc có công to lớn trong công cuộc chống sốt rét ở nước ta thời kỳ chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Không chỉ bộ trưởng, giáo sư nổi tiếng mới thấm nhuần và hành động theo tư tưởng nêu gương y đức của Bác mà ngay cả y tá, hộ lý cũng xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu về y đức, được Người ghi nhận và khen ngợi. Trên cơ sở học tập nêu gương phong cách “Thầy thuốc như mẹ hiền”, từ kinh nghiệm phục vụ ở các cơ sở khám, chữa bệnh, cố Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch đã nêu lên ba yêu cầu ngắn gọn, để cán bộ, nhân viên dễ nhớ, dễ làm theo là: Đến, tiếp đón niềm nở; Ở, chăm sóc tận tình; Đi, dặn dò ân cần. Năm 1979, quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, Bộ Y tế đã đề ra năm tiêu chuẩn người cán bộ y tế nhân dân để cán bộ, nhân viên toàn ngành dựa vào đó tự rèn luyện và giúp đỡ nhau tiến bộ. Học tập Bác phong cách nêu gương “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” cán bộ, đảng viên và nhân viên y tế cần làm tốt các mặt sau đây: - Đối với cán bộ lãnh đạo và quản lý, lòng thương yêu người bệnh phải được thể hiện ở tinh thần phụ trách cao, ở lề lối làm việc có chương trình, kế hoạch và có biện pháp kiên quyết thực hiện kế hoạch, ở tác phong sâu sát cơ sở, sâu sát quần chúng, tận tụy và hết lòng phục vụ sức khỏe nhân dân, chăm lo giáo dục tư tưởng và đời sống cán bộ, ở tinh thần không ngừng nâng cao trình độ công tác và năng lực lãnh đạo. Đồng thời khắc phục tư tưởng thiếu trách nhiệm, ngại quản lý, lùi bước trước khó khăn, bỏ qua những sai lầm của cán bộ, nhân viên; quan liêu, bảo thủ, trì trệ; thiếu gương mẫu trong công tác, học tập và sinh hoạt. - Đối với cán bộ, nhân viên ở các khoa điều trị, cần phải có thái độ niềm nở, hòa nhã, quý trọng, lễ độ và thông cảm với người bệnh; cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cho thuốc, làm các thủ thuật một cách kịp thời, chu đáo, tỉ mỉ, thận trọng, chính xác; tiếp đón, săn sóc về ăn, ở, về vệ sinh trật tự một cách ân cần, chu tất; thực hiện các chức trách, chế độ một cách nghiêm ngặt… Không được có thái độ coi thường, lạnh nhạt, dùng những lời nói xách mé, vô lễ đối với người bệnh và gia đình người bệnh; không được đùn đẩy, gây phiền hà người bệnh; không được tùy tiện, qua loa, tắc trách… dẫn đến bỏ sót bệnh, nhầm lẫn, sai sót có hại cho sức khỏe và tính mệnh người bệnh; không được lợi dụng nghề nghiệp, hối lộ, bớt xén thuốc men của người bệnh. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức đang soi đường và chắp cánh cho đội ngũ cán bộ y tế nước ta vượt qua mọi khó khăn và thử thách, nắm vững vận hội, vượt qua thách thức, góp phần đưa nước ta tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Nghề Y là một nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, những người thầy thuốc phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện y đức mới thực hiện được lời dạy của Bác. Đối với cán bộ y tế cả nước nói chung và Bệnh viện ĐK Cái Nước nói riêng, tư tưởng của Bác về y đức vừa là hệ thống lý luận gắn liền với thực tiễn dễ đi vào lòng người, rất dễ nhớ, dễ làm đồng thời còn là những lời dạy bảo thân thương, chân tình mà mỗi người đều thấm nhuần. Vì vậy, trong thời kỳ kinh tế thị trường như hiện nay, mỗi cán bộ y tế cần phải nêu gương y đức vào từng vị trí công tác của mình để tạo điều kiện hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, đó chính là thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với nghề nghiệp, thực hiện lời dạy bảo đồng thời cũng là mệnh lệnh thiêng liêng xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng tôn kính đối với Bác./.
BSCKII. Châu Quốc Lượng |