CÁC PHÒNG CÁC KHOA
Liên kết |
Tai nạn giao thông và rượu bia13:31:00 17/04/2015
Tại Điều 8 Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) quy định về nhóm các hành vi bị nghiêm cấm đối với người điều khiển phương tiện xe cơ giới, trong đó có hành vi điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/ 1lít khí thở. Vậy rượu bia ảnh hưởng xấu gì đến người điều khiển phương tiện giao thông và hậu quả thế nào. Bài viết này nhằm cung cấp thông tin trả lời câu hỏi đó.
1. Rượu, bia ảnh hưởng đến người điều khiển phương tiện giao thông. Rượu, bia là chất có chứa cồn, tên hoá học là ethanol (C2H5OH) là một chất gây nghiện làm ức chế hoạt động của não bộ và hệ thống thần kinh trung ương. Do vậy sử dụng rượu bia quá mức cho phép tham gia giao thông đưa đến các rối loạn: a). Khả năng vận động của hệ thần kinh giảm Cồn ảnh hưởng tới sự phối hợp vận động và cân bằng, mức độ biểu hiện có thể thấy rõ khi nồng độ cồn ở mức cao. b). Khả năng quan sát Ảnh hưởng tới khả năng điều khiển mắt của não bộ, cả tần số và thời gian chớp mắt đều thay đổi. Tầm quan sát và khả năng nắm bắt sự kiện xung quanh bị thu hẹp, mất dần kỹ năng quan sát, phản ứng nhạy bén và kiểm soát động cơ. c). Nhận thức Quá trình tiếp nhận xử lý thông tin giảm dẫn đến xử lý tình huống sai hay chậm chạp, dễ gây tai nạn. d. Khả năng tập trung giảm Quá trình lái xe là sự kết hợp của nhiều hoạt động phức tạp, người lái vừa phải điều khiển xe vừa phải quan sát bên ngoài. Do đó khả năng tập trung phải được phân phối cho 2 hay nhiều nguồn thị giác khác nhau: điều khiển, tín hiệu giao thông, người đi bộ và các sự kiện quan trọng khác. Tất cả các nhiệm vụ này phải được thực hiện đồng thời, nên chúng yêu cầu sự tập phân phối sự quan tâm hợp lý. 2. Nồng độ cồn trong máu và nguy cơ TNGT Khi người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ uống rượu, bia và các chất có cồn quá mức cho phép thì hệ thần kinh hưng phấn, ảo thị, ảo thính, làm giảm khả năng điều khiển tự chủ và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xử lý và truyền tải hình ảnh lên não. Khi nồng độ cồn trong máu từ 160 - 200 mg/100 ml máu thì phản xạ bắt đầu giảm, phản ứng của lái xe giảm từ 10 – 30%. Khi nồng độ cồn trong máu ở mức trên 200 mg/100 ml máu thì điện não bị ức chế, ước tính sai về khoảng cách và vận tốc, giảm nhạy bén trong quan sát, dẫn đến thiếu sự kiểm soát dẫn tới vi phạm chạy tốc độ cao, vượt đèn đỏ, đi không đúng phần đường, làn đường, đi vào đường ngược chiều, không sử dụng mũ bảo hiểm, không thắt dây an toàn, không làm chủ được tay lái, phán đoán và xử lý tình huống kém, gây ức chế não...tất cả các rối loạn trên dễ dẫn đến TNGT. Người ta ước tính nguy cơ tai nạn giao thông sẽ tăng gấp 2,7 lần ở người lái xe có nồng độ cồn trong máu ở mức 80mg/100ml, gấp 5 lần nếu nồng độ cồn trong máu 100mg/100 ml, và tăng gấp 140 nếu nồng độ này đạt mức 240 mg/100 ml. Như vậy nguy cơ TNGT tăng tỷ lệ thuận với nồng độ cồn trong máu người điều khiển phương tiện.
Theo thống kê của ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 40% vụ TNGT có chủ phương tiện uống rượu bia và 11% số người chết khi lưu thông trên đường có liên quan đến đồ uống này. Trong các nguyên nhân gây tai nạn thì yếu tố con người chiếm 70%, còn lại 30% do cơ sở hạ tầng và chất lượng phương tiện điều khiển. Nguyên nhân tai nạn do nồng độ còn đến 15%. Do đó các nhà chuyên môn ước tính nếu giải quyết được vấn đề uống rượu bia quá mức cho phép khi điều khiển phương tiện sẽ giảm được trên 10 % số vụ TNGT. Từ đó cho thấy luật cấm người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu, trong khí thở vượt quá mức cho phép là hoàn toàn có cơ sở khoa học.
BS: Bùi Văn Dủ |