CÁC PHÒNG CÁC KHOA
Liên kết |
CHUYÊN ĐỀ THÁNG 06 NĂM 2018 “Phong cách khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh”15:23:00 02/07/2018
Phong cách, tác phong là hai khái niệm thường song hành với nhau. Phong cách có nghĩa rộng hơn, nó thể hiện những cung cách, cách thức hành xử của một người hay một nhóm người, nó thể hiện nhất quán trong lao động, học tập, sinh hoạt, tạo nên cái riêng của một cá nhân, phân biệt họ với những người khác. Phong cách hình thành trên cơ sở về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tài năng, sở trường, khí chất… Tác phong có nghĩa cụ thể hơn so với phong cách. Có thể hiểu tác phong là sự thể hiện bên ngoài của phong cách, tạo thành lề lối làm việc, thói quen ứng xử, nề nếp sinh hoạt... Phong cách làm việc và phong cách lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang đậm dấu ấn riêng của Bác, gắn liền với tư tưởng, đạo đức, lối sống, mục đích sống; vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả vừa thiết thực; thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Bác, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức, thẩm mỹ; là tấm gương sáng cho mọi người, mọi thế hệ người Việt Nam học tập và làm theo. Có thể khái quát về phong cách làm việc Hồ Chí Minh, đó là lề lối, cung cách, cách thức làm việc dân chủ, quần chúng, khoa học, nêu gương, thể hiện trong hoạt động lãnh đạo của Bác với những đặc điểm quan trọng như: phong cách dân chủ, quyết đoán, sâu sát, khéo dùng người, trọng dụng người tài, cách mạng, khoa học, năng động, sáng tạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ. Người coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy”, và đi đến kết luận: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Vì thế, Người rất quan tâm đến xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, trong đó có xây dựng, rèn luyện phong cách công tác. Cán bộ, đảng viên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để xây dựng phong cách làm việc khoa học cần tập trung thực hiện các nội dung sau: Phong cách làm việc khoa học đòi hỏi khi xem xét và quyết định mọi việc đều phải điều tra, nghiên cứu, phân tích toàn diện, phải tôn trọng quy trình ra quyết định, tranh thủ ý kiến của tập thể lãnh đạo và quần chúng. Bác chỉ rõ: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: vì sao có vấn đề này ? xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao ? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy”. Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận rồi mới quyết định và thực hiện đến nơi, đến chốn. Đặc biệt, đối với những vấn đề mới, phức tạp có ảnh hưởng lớn tới tổ chức Đảng, đơn vị, bộ đội và nhân dân, cần phải làm thử, làm điểm trước khi quyết định. Tuyệt đối không ra quyết định khi chưa có thông tin đầy đủ, chưa có phương án tính toán hiệu quả. Tránh chủ quan duy ý chí, che giấu khuyết điểm để chạy theo thành tích. Phong cách làm việc khoa học của Bác là làm việc phải có mục đích và kế hoạch rõ ràng, thiết thực. Muốn có kế hoạch khoa học thì người cán bộ phải “Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy”. Hết sức tránh chuyện vạch ra “Chương trình công tác thì quá rộng mà kém thiết thực” và căn bệnh “đánh trống bỏ dùi” gây lãng phí tiền của, nhân lực và thời gian của nhân dân. Phong cách làm việc khoa học là phải biết quý trọng thời gian, biết giờ nào làm việc ấy và có năng lực giải quyết công việc một cách tốt nhất trong một thời gian ngắn nhất. Người từng nói: “ Thời giờ cũng cần phải tiết kiệm như của cải, của cải hết còn có thể làm thêm khi thời gian đã qua rồi không bao giờ kéo lại được.... Người cán bộ phải biết tiết kiệm thời gian của mình nhưng cũng phải biết tiết kiệm thời gian cho người khác. Cách tốt nhất là tập trung giải quyết dứt điểm từng công việc;” Không nên “nay lần mai lữa” không ôm đồm, làm quá nhiều việc, những việc không dứt điểm, không hiệu quả. Người giải thích: “Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”. Phong cách làm việc khoa học yêu cầu người cán bộ giải quyết công việc trên cơ sở dữ liệu khách quan, dựa trên nền tảng thực tế để lựa chọn ra phương án khả thi nhất và phương án ấy phải đặt trong tổng thể chiến lược lâu dài. Không được rơi vào “Bệnh cận thị - không trông xa thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ”. Người cán bộ không được vì cái lợi nhỏ trước mắt mà làm tổn hại đến lợi ích to lớn, lâu dài. Tầm nhìn - đó chính là phẩm chất của người có tư duy khoa học và có cách làm việc khoa học. Theo Hồ Chí Minh, phong cách làm việc khoa học đòi hỏi người cán bộ phải có cách đánh giá đúng người, đúng việc, sắp xếp công việc cho hợp lý; lại phải biết cách kiểm tra, giám sát công việc và cấp dưới một cách hiệu quả, qua đó thấy được việc thi hành đường lối, nghị quyết của Đảng như thế nào và cần điều chỉnh cái gì… Người nói: “tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế”. Kiểm tra còn có tác dụng phân loại, đánh giá cán bộ, vì “Có kiểm tra… mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”. Cán bộ lãnh đạo làm việc khoa học, chặt chẽ thì cấp dưới không thể “qua mặt”. Phong cách khoa học đòi hỏi người cán bộ sau mỗi công việc phải biết rút ra kinh nghiệm cho lần sau và cho người khác. Hồ Chí Minh viết: “công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái chìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”. Phong cách làm việc Hồ Chí Minh là những bài học quý báu đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương số 04-NQ/TW về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phong cách tác phong công tác trong tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện xuyên suốt trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng, phấn đấu hy sinh vì tổ quốc vì nhân dân của Bác. Học tập và làm theo phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo của Bác đòi hỏi mỗi cán bộ đảng viên, mỗi người cán bộ lãnh đạo, quản lí các khoa-phòng phải nâng cao ý thức trách nhiệm phát huy dân chủ, chấp hành kỹ cương, gần gũi, thân thiết với quần chúng nhân dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, của cán bộ, đảng viên và nhân viên y tế; gắn bó cơ sở, với thực tiễn; nói phải đi đôi với làm; phải biết phấn đấu hy sinh vì lợi ích tập thể, của nhân dân; có phong cách làm việc khoa học, sáng tạo vận dụng linh hoạt mọi chủ trương, đường lối của Đảng vào điều kiện thực tế của khoa/ phòng, Bệnh viện và địa phương. Xây dựng phong cách làm việc của cán bộ đảng viên đặc biệt phong cách tác phong người đứng đầu theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hiện nay nhằm xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, luôn xứng đáng là “hiện thân của trí tuệ, lương tâm và danh dự của dân tộc”./. BSCKII. Châu Quốc Lượng |