CHÝ Ý KHI CHỈ ĐỊNH, TƯƠNG TÁC THUỐC VITAMIN D

06:35:00 06/09/2014

   Các thuốc trong nhóm

   COLECALCIFEROL (Vitamin D3)

  •    Cal-D-Vita viên nén sủi 400 IU
  •    Calcium Corbiere vitamin viên nén sủi 2.000 IU
  •    Vitamin D3 BON dung dịch tiêm 200.000 IU/ ml

   ERGOCALCIFEROL (Vitamin D2)

  •    Sterogyl Gottes dung dịch uống giọt 50 mg/ 100 ml

   ROCALTROL (Calcitriol) nang 0,25 µg

   Và các biệt dược phối hợp vitamin D với vitamin A hoặc với các vitamin khác.

   Vitamin D tan trong dầu, chống còi xương. Có giới hạn an toàn rất hẹp giữa liều phòng ngừa, điều trị và liều độc. Vì vậy phải hết sức đắn đo khi sử dụng. Trước khi sử dụng phải điều tra chế độ ăn và tắm nắng của bệnh nhân. Nhu cầu hàng ngày của vitamin D nhỏ nên chỉ cần tắm nắng hoặc thu nhận từ thức ăn là đủ. Vì vậy trẻ em từ 1 tháng tuổi trở lên nếu có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và tắm nắng tốt thì không cần bổ sung vitamin D, nếu bổ sung sẽ dẫn đến quá liều. Phải hết sức thận trọng khi dùng cùng lúc nhiều chế phẩm chứa vitamin D. Các đối tượng cần bổ sung vitamin D.

   Trẻ em có nguy cơ thiếu thì bổ sung hằng ngày không nên vượt quá 400 IU. Liều lớn hơn 400 IU chỉ được sử dụng khi có đầy đủ dữ kiện thiếu vitamin D.

   Người cao tuổi ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời: Vài chuyên gia đề nghị bổ sung 400 IU/ ngày.

   Trẻ em sinh thiếu tháng, trẻ em nuôi bằng sữa bột không có vitamin D: 200 IU – 280 IU/ ngày.

   Phụ nữ dù có thai hay không đều không cần bổ sung vitamin D nếu được tắm nắng đầy đủ. Người có thai có thể dùng AI (Adequate Intakes) bình thường theo tuổi nếu không được tắm nắng đầy đủ. Tuy nhiên việc bổ sung vitamin D 400 IU/ ngày trước khi sinh không phải là quá thừa. Phụ nữ cho con bú nếu không được tắm nắng đầy đủ có thể dùng AI như người không cho con bú 200 IU/ ngày. Tuy nhiên việc bổ sung vitamin D 400 IU/ ngày sau khi sinh không phải là quá thừa. Sử dụng vitamin D quá liều trong thai kỳ làm tăng calci huyết, điều đó làm tăng khả năng dị tật bào thai như hẹp val động mạch chủ trên (supravalvular aortic stenosis) tổn thương mạch và tổn thương chức năng tuyết cận giáp.

Sau khi ngừng thuốc tác dụng vitamin D còn kéo dài, thêm vào đó khi xương đã hồi phục thì nhu cầu vitamin D giảm đột ngột, vì vậy trong điều trị còi xương khi thấy triệu chứng thuyên giảm thì cần giảm liều và ngưng hẳn khi calci huyết và calci niệu về mức bình thường.

   Cân nhắc lợi ích/ nguy cơ: mức độ 3

  •    Các trường hợp: Tăng calci máu, loạn dưỡng xương. Quá mẫn với thuốc. Bất động lâu dài. Tăng calci niệu, sỏi calci, nhiễm calci thận.

   Thận trọng mức độ 2

  •    Thời kỳ cho con bú: Không kê đơn liều cao trong thời kỳ cho con bú.
  •    Thời kỳ mang thai: Với liều điều trị, chưa có sự cố gì được báo cáo. Tuy nhiên khi quá liều,vitamin D gây dị tật ở thai nhi (giảm năng tuyết cận giáp), vẻ mặt đặc biệt, chậm phát triển tâm thần, hẹp lỗ động mạch chủ ...)
  •    Suy tim: Nguy cơ tăng calci máu.
  •    Suy thận: Trường hợp quá thừa vitamin, có nguy cơ bệnh thêm nặng.

   Tương tác cần thận trọng: mức độ 2

   Barbituric; phenytoin; primidon hoặc dẫn chất; rifampicin

  • Phân tích: Khi điều trị dài ngày, các chất gây cảm ứng enzym này có thể kích thích tăng nhanh chuyển hóa, làm giảm tác dụng của vitamin D và gây rối loạn chuyển hóa calci.
  • Xử lý: Phải lưu ý đến thời gian điều trị bằng các thuốc kể trên. Cảm ứng enzym chỉ hình thành dần dần. Vì vậy khi điều trị với barbituric dài ngày, cần hiệu chỉnh liều lượng và bổ sung vitamin D, nếu cần.

   Calci

  • Phân tích: Là phối hợp kinh điển trong điều trị. Thực vậy, dùng đồng thời hai thuốc này, làm hấp thu calci ở ruột tăng lên rất nhiều, khi calci được dùng với liều cao.
  • Xử lý: Cần chú ý khi sử dụng đều đặn các chế phẩm chứa nhiều muối calci (thí dụ các thuốc kháng acid). Có nguy cơ tăng calci máu. Nếu cần, phải kiểm tra calci máu. Cũng cần chú ý người bệnh tự dùng lung tung các muối calci đồng thời với vitamin D.

   Cholestyramin

  • Phân tích: Giảm hấp thu nhiều thuốc qua đường tiêu hóa.
  • Xử lý: Nếu bác sỹ kê đơn hai thuốc này, khuyên dùng vitamin D hoặc trước 2 giờ hoặc 4 giờ sau khi dùng cholestyramin.

   Glycosid trợ tim

  • Phân tích: Dùng đồng thời calci và vitamin D một cách không kiểm soát có thể tăng calci máu. Tăng calci máu này có thể làm tăng độc tính thuốc digitalis kèm theo nguy cơ loạn nhịp tim.
  • Xử lý: Đối với người bệnh cao tuổi và đặc biệt phụ nữ mãn kinh, bổ sung calci và vitamin D đã trở thành kinh điển (điều trị loãng xương). Ở những người này cần phải ý thức nguy cơ khi kê đơn đồng thời digitalis với calci và vitamin D. Nếu cần, phải theo dõi calci máu. Cần lưu ý cả việc tự điều trị và lạm dụng các chế phẩm đa sinh tố và các chất điện giải ở những người bệnh này.

   Sucralfat

  • Phân tích: Giảm hấp thu vitamin D khi có mặt sucralfat, do tương tác dược động về hấp thu.
  • Xử lý: Đảm bảo khoảng cách thời gian 2 giờ giữa lúc dùng hai thuốc. Tốt nhất, dùng thuốc kháng acid sau bữa ăn (tăng tiết acid khi ăn).

   Thuốc nhuận tràng làm trơn

  • Phân tích: Sử dụng các thuốc này với dầu paraffin làm giảm hấp thu và giảm hoạt tính của vitamin D do tương tác dược động về hấp thu thuốc.
  • Xử lý: Khuyên người bệnh tránh dùng đồng thời hai thuốc này và dùng vitamin D trước 2 giờ hay 4 giờ sau khi dùng thuốc nhuận tràng. Hỏi người bệnh những thuốc họ tự ý dùng (đặc biệt người cao tuổi).

Tóm lại: Như vitamin A, không nên sử dụng các thuốc nhóm vitamin tan trong dầu (vitamin A, vitamin D, vitamin E, vitamin K) trong thời gian dài và liều cao. Vitamin tan trong dầu khi uống vào cơ thể người sử dụng không hết liều trên 24 giờ, thì cơ thể tích lũy gây ra ngộ độc.

DS PHẠM VĂN VOI