CÁC PHÒNG CÁC KHOA
Liên kết |
CHUYÊN ĐỀ QUÝ 3 "ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH VỀ TÔN TRỌNG NHÂN DÂN, PHÁT HUY DÂN CHỦ, CHĂM LO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN"13:27:00 17/10/2019
Nội dung Đạo đức Hồ Chí Minh về ý thức tôn trọng Nhân dân: Đạo đức Hồ Chí Minh về ý thức tôn trọng Nhân dân thể hiện nổi bật ở sự thống nhất giữa tư tưởng đạo đức và tư tưởng chính trị của Người. Nho giáo nhấn mạnh đạo đức, cường điệu tác dụng của đạo đức là cốt trừ hại cho giới cầm quyền hơn là vì lợi ích của nhân dân. Đó là học thuyết để cho phong kiến trị dân. Trung thành với chế độ phong kiến là đi ngược lại với lẽ tiến hóa tất yếu của con người, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân. Sự khác nhau căn bản giữa Khổng Tử và Hồ Chí Minh, giữa học thuyết Nho giáo và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là ở chỗ: nhà vua và chế độ phong kiến - cái mà Nho giáo tôn thờ nhất, chính là cái cách mạng lên án và đánh đổ. Hồ Chí Minh không thể chấp nhận lòng trung thành tuyệt đối của Nhân dân bị áp bức đối với chính kẻ áp bức mình là nhà vua và chế độ phong kiến, mà là trung thành với sự nghiệp cách mạng của Nhân dân, lên án chế độ phong kiến. Điều sâu xa trong mối quan hệ đạo đức với chính trị chính là Hồ Chí Minh đã lật ngược học thuyết Nho giáo, đưa quần chúng Nhân dân chỉ là tầng lớp thấp kém đáng khinh rẻ, cần được chăn dắt theo quan niệm của Nho giáo lên địa vị người chủ của đất nước, thực hiện quyền dân chủ của quần chúng. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam được tạo nên bởi một tư tưởng lớn, đồng thời là đạo đức lớn. Nhiều luận điểm, mệnh đề trong di sản Hồ Chí Minh vừa là chính trị vừa là đạo đức, như “nước lấy dân làm gốc”; “chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, v.v.. Ý thức tôn trọng Nhân dân ở khía cạnh đạo đức cần phải khai thác ở việc coi trọng, đề cao nhân dân như Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”. Tôn trọng Nhân dân trong đạo đức Hồ Chí Minh là đề cao ý dân, sức dân, bởi “dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Vì vậy, “đối với dân ta đừng có làm điều gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, yêu kính Nhân dân, thật sự tôn trọng Nhân dân. - Đạo đức Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ. Dân chủ như đã bàn đến, được hiểu ngắn gọn: dân là chủ và dân làm chủ. Từ chỗ nâng cao dân trí, bồi dưỡng ý thức, năng lực làm chủ, phát triển văn hóa chính trị và tính tích cực công dân, khuyến khích Nhân dân tham gia vào công việc của Đảng, Chính phủ, thì một điều quan trọng là tạo điều kiện cho dân “dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân là phát huy quyền của người dân về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe...; phải quan tâm phát triển năng lực, tiềm năng của mọi người dân. - Đạo đức Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân. Hồ Chí Minh quan tâm hàng đầu, một cách rất nhất quán về đạo đức. Người để lại cho chúng ta nhiều phẩm chất đạo đức quý báu, cao nhất, cốt lõi là chí công vô tư, tức là nêu cao chủ nghĩa tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân. Điểm xuất phát tiến đến chí công vô tư là “lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào”, làm cán bộ, đảng viên là phải “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Đạo đức Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân thể hiện rất rõ ở quan điểm khi Người nói về một trong những điều tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Hồ Chí Minh quan niệm phẩm chất cao đẹp nhất của người cách mạng là “yêu nước, thương dân”, thương nhân loại bị áp bức, bóc lột, lấy điều đó là động cơ để làm cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”. Theo Hồ Chí Minh, người cách mạng phải đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, để hết lòng hết sức đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Theo Hồ Chí Minh, phận sự của đảng viên và cán bộ là phải tổ chức Nhân dân, lãnh đạo Nhân dân để giải phóng Nhân dân và và nâng cao sinh hoạt, đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa cho Nhân dân. Chăm lo đời sống nhân dân là sứ mệnh của Đảng ngay từ khi ra đời. “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Đạo đức là một nét đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, thể hiện rõ nhất về đạo đức chăm lo đời sống nhân dân là trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho Nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc. Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là giải phóng Nhân dân lao động khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Nêu câu hỏi mục đích của chủ nghĩa xã hội là gì?, Hồ Chí Minh trả lời: “Nói một cách giản đơn và dễ hiểu là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”. Từ mục tiêu tổng quát, Hồ Chí Minh diễn đạt thành những tiêu chí cụ thể: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”. Trăn trở về đời sống Nhân dân, trong Di chúc, Người không quên nhắc nhở Đảng, Nhà nước “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Chủ trương của Đảng - Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì Nhân dân; Nhân dân là chủ, Nhân dân làm chủ; tin tưởng ở trí tuệ của Nhân dân, tin vào sức mạnh và lực lượng của Nhân dân để làm cách mạng. - Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. - Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng. - Xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm cao trong công việc, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng. - Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; có kế hoạch thường xuyên tìm hiểu tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để có chủ trương, biện pháp xử lý đúng đắn, kịp thời. - Củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; tập hợp, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. - Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân. - Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. - Thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; gắn quyền với trách nhiệm, nghĩa vụ, đề cao đạo đức xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. - Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị tập trung giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, đền bù thu hồi đất đai, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội. Trong xây dựng thể chế, chính sách, cần quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc: mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải thuận với lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Chú trọng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là điều kiện sống, lao động, học tập, sáng tạo, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe. - Xử lý nghiêm minh những vụ việc tiêu cực, tham nhũng; giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện đông người phức tạp, kéo dài. - Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội. Phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân. Chăm lo đời sống cho Nhân dân: - Động lực thúc đẩy phong trào Nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của Nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh. - Tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống. - Phát triển và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động,... Chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh xã hội của công dân. - Đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả và tiếp cận phương pháp đo lường nghèo đa chiều nhằm bảo đảm an sinh xã hội cơ bản và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. - Tổ chức tốt hơn việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu. - Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người nghèo, Nhân dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất và sinh viên,... - Phát triển đa dạng các hình thức từ thiện, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ những người yếu thế. - Coi trọng chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em; xây dựng gia đình hạnh phúc. Một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: - Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái trong đội ngũ cán bộ. Thực hiện tốt Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về "Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ". - Thực hiện đúng các quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong thực hành công vụ, trong quan hệ với Nhân dân. Tích cực tham gia các chương trình mục tiêu, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người do Đảng, Nhà nước đề ra và phát động, làm gương và giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, trong cộng đồng. - Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, tự giác thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "muốn người ta theo mình, phải làm gương trước". Huỳnh Thanh Triều |