CHUYÊN ĐỀ THÁNG 9 NĂM 2018 “Khéo dùng người, trọng dụng người tài”

13:06:00 11/10/2018

Từ xa xưa, ông cha ta đã coi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống đó càng được phát huy cao độ và nâng tầm thành tư tưởng, thành nghệ thuật dùng người, trọng dụng nhân tài. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhiều bậc trí thức, học giả, giáo sĩ, quan lại cho đến vua Bảo Đại đã được Bác Hồ cảm hóa và vận động tham gia chính quyền cách mạng. Cách dùng người của Bác thể hiện thái độ trọng thị, tầm nhìn minh triết, lòng nhân ái bao la và tư tưởng đại đoàn kết cao cả. Điển hình cho sự thành công trong nghệ thuật dùng người, trọng dụng nhân tài của Bác là trường hợp trọng dụng Cụ Huỳnh Thúc Kháng trong Chính phủ cách mạng Việt Nam.

Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, trong lúc còn bộn bề khó khăn, thù trong, giặc ngoài, Bác Hồ đã quan tâm tìm người tài để xây dựng đất nước và Bác chính là tấm gương sáng cho việc tìm nhân tài và trọng dụng nhân tài. Ngày 14/11/1945, trên báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Bác cho rằng một quốc gia, một đất nước không biết sử dụng nhân tài là một khuyết điểm to, làm lãng phí một vốn quý của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và kiến thiết. Theo Bác, khuyết điểm đó trước hết là của những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước và chính Bác cũng tự phê bình và nhận khuyết điểm đó. Bác Hồ chủ trương phải “tìm người tài đức” bởi, “kiến thiết cần phải có nhân tài”. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”.

Để tìm được người tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu các địa phương trong vòng một tháng phải điều tra và báo cáo với Chính phủ những “người tài đức, những người có thể làm được những việc ích nước, lợi dân” để trọng dụng. Đi đôi với việc tìm người tài, đức giúp ích cho đất nước, Bác yêu cầu người lãnh đạo, quản lý phải biết trọng dụng nhân tài, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài. Bác cho rằng phải biết chăm lo phát hiện nhân tài, phải biết đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và phải biết sử dụng nhân tài một cách hợp lý. Việc trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Bác là phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Bác cho rằng, trọng dụng nhân tài phải biết tuỳ tài mà dùng người: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”. Việc dùng nhân tài phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn” và phải cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách. Dùng người tài mà không đúng công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài và có hại cho Đảng và nó cũng thể hiện sự yếu kém trong công tác cán bộ của Đảng. Có thể nói, quan điểm này là bài học lớn trong công tác cán bộ của Đảng.

Muốn trọng dụng nhân tài, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải làm tốt một số vấn đề sau:

Một là, phải thực hiện tốt việc đánh giá cán bộ. Hoạt động này phải được tiến hành thường xuyên vì “mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hoá cũng lòi ra”. Đảng ta cũng khẳng định việc đánh giá cán bộ là khâu quan trọng nhất trong công tác cán bộ. Trong đánh giá cán bộ, lấy hiệu quả công việc là thước đo chủ yếu. Đây là căn cứ để thực hiện các nội dung khác của công tác cán bộ như bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ. Thông qua đánh giá cán bộ, Đảng ta tìm được những người tài và bố trí họ vào những vị trí công tác xứng đáng để phát huy được năng lực, sở trường của họ, đồng thời phát hiện những kẻ “hủ hoá”, những người thoái hoá biến chất, nhất là những kẻ cơ hội về chính trị để loại bỏ ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, thời gian qua việc đánh giá cán bộ của Đảng còn làm chưa tốt, chưa đạt yêu cầu đề ra và vẫn là khâu yếu nhất trong công tác cán bộ. Do đó, chúng ta chưa phát hiện được nhiều nhân tài và cũng chưa tìm được hết những kẻ thoái hoá biến chất để đưa ra khỏi Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng.

Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết phải thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ, một khâu quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng và quan trọng hơn phải phát hiện ra những người tài trong xã hội, “khéo dùng” họ vào các công việc có ích, “không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe”, tạo môi trường công tác thuận lợi để họ phát huy hết khả năng của mình, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển của đất nước, để sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng nghèo, chậm phát triển.

Hai là, phải kiên quyết chống bệnh hẹp hòi, chia rẽ, bè phái trong Đảng và trong công tác cán bộ. Một trong những nguyên nhân không sử dụng được người tài là “bệnh hẹp hòi”. Nó là một kẻ thù đáng sợ cùng với các căn bệnh khác như chủ quan, ích kỷ, cục bộ địa phương, bè phái và chia rẽ… phá hoại Đảng từ trong phá ra. Bác Hồ cho rằng “Vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên làm không nổi”. Còn bệnh bè phái và chia rẽ cũng rất tác hại cho Đảng “Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình. Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ”. Muốn sử dụng được nhân tài thì phải ra sức chống các bệnh đó và phải chữa khỏi những bệnh đó.

Vì hẹp hòi mà cán bộ không muốn người khác hơn mình, không muốn sử dụng những người tài hơn mình mà tìm cách “dìm” người ta xuống. Điều đó rất có hại cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Ở những nơi có lãnh đạo mắc bệnh hẹp hòi, người tài thấy mình không có “đất dụng võ”; họ nhạy cảm và dễ dàng nhận thức ra vấn đề này. Thông thường là họ sẽ ra đi. Vì bệnh chia rẽ, bè phái mà nội bộ mất đoàn kết, lục đục, phân chia thành các phe phái. Những người có “tài đức” thật sự, họ là những người có lòng tự trọng, họ muốn làm việc để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và cho lý tưởng của mình. Ở môi trường công tác có nhiều mâu thuẫn, bè phái, đố kỵ… người tài không muốn tham gia vào những cuộc đấu đá lẫn nhau; họ ra đi và tìm một môi trường công tác tốt hơn, thuận lợi hơn. Như vậy, Đảng và Nhà nước mất đi một nguồn nhân tài, một vốn quý cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

Những căn bệnh nêu trên có tác hại rất lớn đến cán bộ và công tác cán bộ của Đảng và đều do chủ nghĩa cá nhân mà ra; muốn chiến thắng nó phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Người cán bộ phải loại bỏ những căn bệnh này mới là người cộng sản cách mạng chân chính và công tác cán bộ mới thật sự lựa chọn được người tài cho Đảng.

Ba là, muốn trọng dụng nhân tài, phải sửa lại cách lãnh đạo.

Trong phong cách lãnh đạo của đội ngũ cán bộ vẫn còn tình trạng quan liêu, cửa quyền, hách dịch, mất dân chủ là một nguyên nhân làm mất nhân tài. Muốn sử dụng người tài phải quý trọng nhân cách của họ. Bác cho rằng, vì “cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc. Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo”. Theo Bác, đó cũng là một căn bệnh của một Đảng cầm quyền. Người cộng sản khi đã có chính quyền dễ mắc phải sự “kiêu ngạo cộng sản”; sự kiêu ngạo đó dẫn đến sự xa lánh của người có tài. Sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc phải do chính quần chúng nhân dân tạo nên, những người cộng sản chỉ như những giọt nước trong đại dương nhân dân. Quyền lực của họ có được chính là quyền lực của nhân dân giao phó. Họ phải biết sử dụng những quyền lực đó một cách hợp lý để tìm và sử dụng được những người tài trong nhân dân.

Theo Bác, phong cách lãnh đạo dân chủ, gần dân, sát với nhân dân, biết chăm lo đến lợi ích của nhân dân là cách lãnh đạo phát huy được sáng kiến của người tài, là “chìa khoá vạn năng” để giải quyết mọi khó khăn trong công việc và những người tài trong nhân dân cũng xuất hiện, cùng chúng ta xây dựng đất nước. Đảng ta đã có Nghị quyết Trung ương bảy khoá X về xây dựng đội ngũ trí thức, một văn kiện quan trọng thể hiện sự quan tâm lựa chọn và sử dụng những người hiền tài cho Đảng và cách mạng. Đội ngũ trí thức và những người có tài ngày càng được đánh giá cao và được tạo điều kiện để phát huy khả năng của mình cống hiến cho đất nước. Để phát huy được năng lực, sở trường của đội ngũ trí thức, phải đánh giá đúng sự cống hiến, đóng góp của họ để từ đó có những biện pháp trọng dụng và phát triển đội ngũ trí thức. Đội ngũ này cần được xác định như đầu tầu, mũi nhọn để thúc đẩy tri thức và khoa học phát triển, nhất là trong điều kiện hiện nay, khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp của xã hội. Những công lao, đóng góp của họ phải được ghi nhận xứng đáng.

Trong công tác cán bộ, cần phải bố trí người tài vào những vị trí quan trọng để họ phát huy hết khả năng của mình; đồng thời phải kiên quyết chống bệnh ích kỷ, hẹp hòi, đố kỵ, kèn cựa lẫn nhau, phát hiện và đưa ra khỏi tổ chức những người mắc phải căn bệnh đó. Có như vậy, công việc gốc của Đảng mới thực sự đạt hiệu quả, nhất là đối với việc sử dụng nhân tài. Bên cạnh đó, người lãnh đạo quản lý phải biết sửa mình rồi mới sửa người, phải làm việc với tác phong khoa học, dân chủ và đại chúng, kiên quyết loại bỏ tác phong quan liêu, mệnh lệnh, gia trưởng, độc đoán vì nó có hại cho cách mạng và không sử dụng được nhân tài. Bác Hồ thường nói: tính xấu của một người chỉ có hại cho người đó nhưng tính xấu của người cán bộ, đảng viên sẽ hại đến Đảng, đến nhân dân./.

BSCKII. Châu Quốc Lượng