KÊ ĐƠN THUỐC

14:04:00 07/07/2020

Những quy định chung về kê đơn thuốc

Những quy định về trách nhiệm người được kê đơn thuốc

Đơn thuốc là căn cứ pháp lý để bán thuốc, cấp phát thuốc, pha chế thuốc theo đơn và sử dụng thuốc. Do vậy, chỉ những người đang hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp có bằng tốt nghiệp bác sỹ hoặc y sỹ (vùng sâu, vùng xa) và được người đứng đầu cơ sở y tế phân công khám, chữa bệnh hoặc các bệnh trong phạm vi hành nghề ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp mới được phép kê đơn thuốc. Người kê đơn phải chịu trách nhiệm về đơn thuốc do mình kê cho người bệnh và chỉ được kê thuốc sau khi trực tiếp khám bệnh. Không kê đơn thuốc với mục đích không phải để phòng bệnh, chữa bệnh, theo yêu cầu không hợp lý của người bệnh và cũng không được kê đơn các loại thực phẩm chức năng giống như thuốc.

Yêu cầu của một đơn thuốc tốt

Một đơn thuốc tốt phải thể hiện được các yêu cầu: Hiệu quả chữa bệnh cao, an toàn trong dùng thuốc, tiết kiệm và đầy đủ, chính xác các nội dung theo quy định. Muốn kê đơn thuốc tốt phải tuân theo quy trình sau đây:

Chẩn đoán, xác định đúng bệnh:

Thầy thuốc cần tìm hiểu hoàn cảnh của người bệnh, phát hiện các dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán hợp lý. Khi đã có chẩn đoán bệnh chính xác, người kê đơn thuốc cần phải ghi đầy đủ nội dung về hành chính cũng như chuyên môn của một đơn thuốc đúng quy định, đảm bảo rõ ràng, chính xác, không tẩy xóa (nếu có tẩy xóa, sửa chữa phải ký, ghi rõ họ tên, ngày, tháng chữa đơn ngay bên cạnh). Đơn thuốc phải viết bằng bút mực, không được viết bằng mực đỏ, bút chì tất cả các nội dung trong đơn.

Lựa chọn thuốc phù hợp với người bệnh:

Căn cứ chẩn đoán hợp lý để lựa chọn thuốc cần dùng nhằm thu được hiệu quả cao nhất nhưng ít tác dụng không mong muốn và giá thành điều trị thấp nhất. Để lựa chọn thuốc có hiệu quả nhất, an toàn nhất, phù hợp với hoàn cảnh người bệnh nhất, đầy đủ và chính xác các nội dung nhất, người thầy thuốc cần:

Lựa chọn thuốc nào phù hợp nhất với bệnh sau khi đã được chẩn đoán xác định, tình trạng bệnh tật, chức năng các cơ quan (đặc biệt là gan – thận), cơ địa (mang thai, trẻ em, người cao tuổi), với dược động học, với đường dùng, thời gian dùng, với thuốc đang dùng và với điều kiện kinh tế hiện có của người bệnh, nhưng ít phản ứng có hại nhất.

Thầy thuốc luôn luôn cân nhắc giữa yếu tố nguy cơ và hiệu quả. Trong những trường hợp bệnh nặng thì hiệu quả là chọn lựa ưu tiên. Khi trường hợp bệnh mạn tính và thể trạng người bệnh yếu thì tiêu chuẩn an toàn phải được đặt lên hàng đầu.

Khi kê đơn, tên thuốc phải viết theo tên chung quốc tế (INN, generic name) hoặc nếu viết tên biệt dược phải ghi tên chung quốc tế trong ngoặc đơn (trừ trường hợp thuốc có nhiều hoạt chất). Không viết tắt tên thuốc vì dễ gây nhằm lẫn. Hết sức lưu ý những thuốc có tên gần giống nhau nhưng tác dụng độc tính lại hoàn toàn khác nhau như acetazolamid và acetohexamid, spiramycin và spironolacton.

Mỗi thuốc trong đơn thuốc phải ghi đầy đủ, rõ ràng hàm lượng, số lượng, liều dùng, cách dùng. Số lượng thuốc gây nghiện phải viết bằng chữ, chữ đầu viết hoa. Số lượng thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc phải viết thêm số 0 phía trước nếu số lượng chỉ có một chữ số.

Hạn chế tối đa kê nhiều thuốc trong một đơn thuốc để tránh tương tác thuốc. Khi lựa chọn thuốc, cần ưu tiên những thuốc chứa một thành phần và hạn chế kê những thuốc phối hợp nhiều thành phần. Trường hợp phải kê nhiều loại thuốc trong một đơn thuốc thì cần ghi theo thứ tự: Thuốc điều trị chính, thuốc hỗ trợ, thuốc điều trị triệu chứng và cuối cùng là thuốc giúp nâng cao thể trạng (nếu thật sự cần thiết).

Mỗi một thuốc cần được hướng dẫn chi tiết về liều dùng một lần, một ngày, đường dùng, thời điểm dùng (dùng vào buổi sáng hoặc tối, lúc no hay lúc đói…), cách pha thuốc, cách sử dụng các dụng cụ đo lường số lượng thuốc v.v… Ngoài ra thầy thuốc cũng phải hướng dẫn người bệnh được dùng thuốc với dung dịch gì, tránh dùng với thuốc gì hoặc thức ăn hoặc loại nước uống nào, đồng thời hướng dẫn người bệnh phát hiện, theo dõi, xử trí, báo cáo các tác dụng không mong muốn của thuốc.

Đơn thuốc có giá trị mua thuốc trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày kê đơn và được mua ở tất cả các cơ sở bán thuốc hợp pháp trong cả nước. Do vậy, thầy thuốc phải ghi đầy đủ ngày tháng, chữ ký, ghi rõ họ, tên và chức danh trong đơn thuốc.

Sau khi kê đơn thuốc thầy thuốc cần phải tiếp tục theo dõi hiệu quả điều trị bằng cách hẹn người bệnh đến khám lại khi tình trạng bệnh không thuyên giảm hoặc nặng thêm hoặc phát hiện các dấu hiệu bất thường khi dùng thuốc. Trường hợp người bệnh đến khám lại do đơn thuốc đã kê không hiệu quả, thầy thuốc cần tìm hiểu cặn kẽ lý do tại sao để đưa ra quyết định lựa chọn thuốc phù hợp, hiệu quả hơn.

Tài liệu tham khảo:

- Thông tư số 05/2016/TT-BYT ngày 29/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định kê đơn thuốc điều trị ngoại trú.

- Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.

- Thông tư số 18/2018/TT-BYT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 Quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.

- Dược thư quốc gia Việt Nam (2018), Các chuyên luận chung. Nhà xuất bản Y học, tr. 40.

 

ĐƠN THUỐC THAM KHẢO

Họ tên: Nguyễn Văn A.  Tuổi: 50. Cân nặng: 60 Kg. Nam/Nữ: Nam………..

Địa chỉ: Số 15 Đường 19/5 khóm 2, thị Trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Chẩn đoán: Nhiễm trùng tiểu.

01. Ciprofloxacin 500 mg                                                              SL: 14 Viên

Uống: Sáng 1 Viên, Chiều 1 Viên.

02. Mictasol blue                                                                           SL: 28 Viên

Uống: Sáng 02 Viên, Chiều 02 Viên.

03. Prednisolon 5 mg                                                                      SL 14 Viên

Uống: Vào lúc 7 – 8 giờ sáng 02 Viên.

04. Paracetamol (acetaminophen) 500 mg (Panadol)                    SL: 14 Viên

Uống: 01 Viên khi sốt.

05. Vitamine C 500 mg                                                                  SL: 14 Viên

Uống: Sáng 1 Viên, Chiều 1 Viên, trước khi ăn

Lời dặn:

                                                                                            Ngày 07 tháng 7năm 2020

                                                                                                  Bác sỹ khám bệnh

 

 

 

                                                                                                  Bác sỹ. Trần Văn T…

- Khám lại xin mang theo đơn này.

- Hẹn tái khám: sau 07 ngày.