CHÝ Ý KHI SỬ DỤNG CÁC THUỐC NHÓM VITAMIN TAN TRONG NƯỚC

08:57:00 07/10/2014

Nên ăn uống đúng và đủ và vì trong thực phẩm sẵn một hỗn hợp nhiều vitamin hỗ trợ và bù trừ lẫn nhau một cách tự nhiên. Chỉ sử dụng vitamin khi thật cần thiết. Chớ quan niệm vitamin là thuốc bổ vô hại rồi đi đến lạm dụng. Một cách tổng quát, người khỏe mạnh có chế độ ăn cân bằng, đầy đủ về chất và lượng thì không cần bổ sung vitamin. Sự bổ sung vitamin chỉ tập chung vào nhóm có nguy cơ thiếu như trẻ sơ sinh (thiếu vitamin K), phụ nữ có thai và cho con bú (thiếu calci, acid folic, sắt), người ăn chay và trẻ lớn (thiếu vitamin B12), người cao tuổi và người giảm cân chủ động (thiếu nhiều vitamin). Nên bổ sung vitamin C cho trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, tốt hơn nên đến 5 tuổi.

Các thuốc nhóm vitamin tan trong nước

Thiamin (Vitamin B1); Riboflavin (Vitamin B2); Niacin (Vitamin PP); Dexpanthenol; Panthothenic (Panthenol, Vitamin B5); Pyridoxin (Vitamin B6); Biotin (Vitamin B8, Vitamin H), Acid Folic (Vitamin B9); Cyanocobalamin, Hydroxocobalamin, Mecobalamin  (Vitamin B12); Acid Ascorbic (Vitamin C).

Các biệt dược chứa nhiều vitamin và muối khoáng: Amorvita Ginseng; Astymin; Calcivita; Centovit; Gynavit; Homtamin; Moriamin fort; Nutroplex; Obimin; Superton; Pharmaton; Vitacap; Centrivit; Enervon C; Trivit B ...

Vitamin B1:

Tác dụng: Tham gia vào chuyển hóa glucid ở cơ thể và quá trình dẫn truyền thần kinh.

Chỉ định: Bệnh tê phù do thiếu vitamin B1, viêm nhiều dây thần kinh, đau thấp khớp ...

Liều dùng: Phòng bệnh 10 mg/ ngày.

Trị bệnh: Người lớn 40-60 mg/ ngày hay tiêm bắp 25-100 mg. Liều cao để giảm đau 100-500 mg/ 24 giờ.

Chống chỉ định: Tiêm tỉnh mạch (bị tăng vị ứng).

Vitamin B2:

Tác dụng: Điều hòa chức năng thị giác, chống lại những tổn thương ở da và niêm mạc (loét).

Chỉ định: Tổn thương ở mắt, da, niêm mạc (viêm lưỡi, chốc mép).

Liều dùng: Uống hoặc tiêm 5-30 mg/ ngày, chia 2 lần/ ngày (tiêm bắp).

Vitamin B3:

Tác dụng: Giãn nở các động mạch nhỏ, mao mạch, giảm cholesterol huyết.

Chỉ định: Rối loạn chức năng tuần hoàn của người tăng huyết áp, Raynaud, một số thể bệnh tăng lipid-huyết. Bệnh pelagre.

Liều dùng: Uống từ 10-200 mg chia 2-3 lần/ ngày vào bữa ăn. Tiêm dưới da, bắp thịt hoặc tĩnh mạch từ 1-4 ống/ ngày.

Vitamin B6:

Tác dụng:  Tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa ở cơ thể, chuyển amin, khử amin.

Chỉ định: Phòng và điều trị thiếu vitamin B6, các bệnh thuộc hệ thần kinh do thuốc gây ra như isoniazid.

Liều dùng: Uống, tiêm bắp thịt hoặc dưới da: 0,05-1 g/ ngày.

Phòng bệnh: Người lớn 2-25 mg/ ngày, trẻ em 0,5-2 mg/ ngày.

Chống chỉ định: Phối hợp với levodopa.

Vitamin B9:

Tác dụng: Tham gia vào quá trình tổng hợp acid nucleic ở những nguyên hồng cầu.

Chỉ định: Thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ (do thiếu hụt acid folic).

Liều dùng: Người lớn 0,5-1 mg/ ngày, nặng 5 mg x 2-3 lần/ ngày.

Chống chỉ định: Thiếu máu ác tính (Biermer).

Vitamin B12:

Tác dụng: Cơ thể thiếu vitamin B12 gây ra bệnh thiếu máu hồng cầu to và rối loạn về thần kinh.

Chỉ định: Thiếu máu ác tính, thiếu máu sau cắt dạ dày, hoặc do giun móc. Viêm, đau dây thần kinh.

Liều dùng: Thiếu máu: tuần lễ tiêm 2-3 lần x 100-200 mcg. Viêm dây thần kinh bắp 300-1.000 mcg/ tuần.

Chống chỉ định: Thiếu máu do nguyên nhân khác hoặc chưa rõ nguyên nhân, mẫn cảm vitamin B12. Ung thư.

Vitamin C:

Tác dụng: Tham gia vào chuyển hóa glucid, acid folic ảnh hưỡng đến quá trình đông máu và thẩm thấu ở mau mạch.

Chỉ định: Phòng và điều trị bệnh Scorbut và các bệnh chảy máu do thiếu vitamin C. Tăng cường sức đề kháng của cơ thể khi mắc bệnh nhiễm khuẩn.

Liều dùng: Người lớn 0,2-1 g/ 24 giờ, trẻ em uống 0,1-0,5/ 24 giờ. Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, người lớn 0,1-0,5 g/ 24 giờ. Trẻ em 0,05-0,20 g/ 24 giờ.

Chống chỉ định: Bệnh sỏi thận (dùng quá 1 g/ 24 giờ).

Thận trọng: Coi trừng sốc phản vệ khi tiêm tĩnh mạch (chết người vì có sulfit). Không nên dùng thuốc vào buổi tối. Ở một số người dùng trên 1 g/ ngày có thể bị rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, tiêu chảy, đọng Ca urat, oxalat... Không nên dùng tiêm tĩnh mạch (không an toàn). Thuốc tương kỵ với penicillin G kali về vật lý.

Tác dụng phụ: Tránh dùng liều cao: Có thể gây thiếu máu tan máu, suy thận.

Dùng liều cao, lâu dài có thể gây tác dụng ngược với Scorbut kể cả với trẻ sơ sinh (hồi ứng).

Tăng oxalat niệu, acid hóa nước tiểu, gây tủa urat và cystein.

Với người thiếu G6PD có thể bị chứng tan máu.

Có thể bị huyết khối tĩnh mạch sâu.

Có thể bị buồn nôn, nôn ợ nóng, co cứng cơ bụng, mệt mỏi, đỏ bừng, nhức đầu, mất ngủ, tiêu chảy. Thiếu máu tan máu, suy thận, suy tim, đau cạnh sườn.

Tóm lại: Vitamin tan trong nước khi uống vào cơ thể người sử dụng không hết liều trên 24 giờ thì nó không tích lũy gây ra ngộ độc, cơ thể tự đào thải ra ngoài.

DS PHẠM VĂN VOI