TĂNG HUYẾT ÁP TRÊN BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

12:58:00 05/04/2016

       Tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ĐTĐ) là hai bệnh rất phổ biến tại các nước phát triển và ở Việt nam. Chúng có thể độc lập hay có mối liên quan với nhau. Trên lâm sàng thường gặp THA và ĐTĐ trên cùng một bệnh nhân vì chúng có chung những yếu tố nguy cơ: thừa cân, béo phì, ăn nhiều chất béo, nhiều muối, đường, có lối sống tỉnh tại...

THA làm tăng mức độ nặng của ĐTĐ và ĐTĐ sẽ làm THA trở nên khó kiểm soát hơn. Tỷ lệ THA ở bệnh nhân ĐTĐ cao gấp 2 lần so với người bệnh không bị ĐTĐ. Hậu quả của THA trên bệnh nhân ĐTĐ thường gặp nhất là bệnh thận mạn. Ở bệnh nhân ĐTĐ type 2 THA có thể xuất hiện trước khi bệnh nhân được chẩn đoán ĐTĐ hoặc được phát hiện cùng với ĐTĐ trong bệnh cảnh của hội chứng chuyển hóa như: THA, béo phì, rối loạn mỡ máu, rối loạn dung nạp glucose.

         Thống kê tại Hoa Kỳ, có khoảng 65% bệnh nhân ĐTĐ type 2 bị THA. Ở bệnh ĐTĐ một khi có THA là tiên lượng bệnh sẽ xấu hơn, bởi tỷ lệ bệnh lý mạch vành và đột quỵ tăng gấp 2- 3 lần so với người không bị ĐTĐ. THA và ĐTĐ sẽ làm gia tăng các yếu tố nguy cơ tim mạch như: bệnh mạch vành, tai biến mạch não, tắc mạch chi, bệnh võng mạc mắt, bệnh thận và bệnh lý thần kinh.

        Kiểm soát tốt huyết áp (HA) mục tiêu sẽ giúp giảm các yếu tố nguy cơ trên là một mục tiêu quan trọng trong điều trị ở bệnh nhân ĐTĐ có THA. Kiểm soát tốt HA sẽ gióp phần kiểm soát glucose máu dễ dàng hơn. Đa phần, bệnh nhân THA thường không có triệu chứng và dễ bỏ sót nếu không được kiểm tra HA. Một số trường hợp THA có thể có các triệu chứng: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đau ngực, khó thở, buồn nôn... Do đặc tính trên nên những bệnh nhân ĐTĐ cần được kiểm tra HA định kỳ để có chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Chẩn đoán ĐTĐ khi có 1 trong các tiêu chuẩn sau:

- Glucose máu lúc đói ≥ 7,0 mmol/L (126 mg/dL), được xét nghiệm 2 lần (mẫu máu lấy ở thời điểm nhịn đói ít nhất 8 giờ).

- Glucose máu ≥ 11,1 mmol/L (200mg/dL) ở thời điểm 2 giờ sau khi làm  nghiệm pháp dung nạp đường máu bằng đường uống 75 g Glucose.

- Có các triệu chứng của ĐTĐ như: khát nước, tiểu nhiều, sụt    cân và kết quả xét nghiệm glucose máu bất kỳ ≥ 11,1 mmol/L (200mg/dL).

Chẩn đoán THA khi:

- Huyết áp tâm thu (HATT) ≥ 140 mmHg.

- Và/ hoặc huyết áp tâm trương (HATTr)  ≥ 90 mmHg.

    Phương pháp đo HA như sau:

    Tư thế bệnh nhân: thường đo ở tư thế ngồi, tay đặt trên mặt bàn ở mức ngang tim. Bệnh nhân được nghỉ ngơi ít nhất 5 phút trước khi đo; không dùng các chất kích thích (rượu, cà phê, thuốc lá…) trước đó 1giờ. Không dùng các thuốc có hoạt chất kích thích giao cảm.

    Xác định HATT: khi nghe tiếng đập đầu tiên. Xác định HATTr: khi mất hẳn tiếng đập cuối cùng.

    Đo tối thiểu 2 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1 phút. HA bệnh nhân sẽ là giá trị trung bình của 2 lần đo.

    Để loại trừ THA thể áo choàng trắng hoặc do tác dụng của thuốc điều trị ĐTĐ (insulin, sulfonylurea), tai biến tim mạch, do stress…bệnh nhân cần được đo HA trong 24h bằng máy     Holter. Đo HA 24 giờ còn giúp chẩn đoán THA dao động và theo dõi hiệu quả điều trị.

    Tóm lại: THA ở bệnh nhân ĐTĐ thường gặp, rất đa dạng, có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch phối hợp. Các biến chứng và tử vong chủ yếu liên quan đến tim mạch. Cùng với kiểm soát tốt glucose máu còn phải kiểm soát tốt HA và hạn chế các yếu tố nguy cơ tim mạch khác. Trong quá trình điều trị THA cần tuân thủ nguyên tắc điều trị không dùng thuốc, điều trị thuốc hạ HA, chọn lựa thuốc, phối hợp nhiều loại thuốc HA nhằm đạt mục tiêu kiểm soát HA ≤ 130/80 mmHg.

   TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Norman M Kaplan, MD; Burton D Rose, MD; (2002), Who should be screened for renovascular or secondary hypertension, UpToDate.

2. Linda Brooker, MSC (2004), “The updated WHO/ISH hypertension guidelins”.

3. Felicio, Ferreira, Plavnik, Moises, Kohlmann, Ribeiro, Zanella (2001), “Effect of blood glucose on left ventricular mass in patient with hypertension and type 2 diabetes mellitus”, Am-J-Hypertens.

4. Poirier, Bogaty, Garneau, Marois,Dumesnil (2001), “Diabetes dysfunction in normotensive men well-controlled typ 2 diabetes: Importance of maneuvers in echocardiography screening for preclinical diabetic”, Diabetes-Care.

5. Marvin Moser (2004). Clinical Management of Hypertension.Seventh Edition.

6. Norman M Kaplan.(2005) Hypertension and Diabetes.The Diabetes Mellitus Manual. Silvio Inzucchi. Mc Graw Hill. Sixth edition.

7. John Shin, Valerie Goldburt (2004). Antihypertensive Therapy. Therapy for diabetes mellitus and related disorders. Harold E. Lebovitz. American Diabetes Association. Fourth edition.

8. David M Safley (2003) Adjunctive pharmacotherapy. The Handbook of Diabetes Mellitus and Cardiovascular disease. Steven P Marso. Remedica.

9. Ehud Grossman, Franz H. Messerli (2008). Hypertension and Diabetes.cardiovascular diabetology. Karger.

10. Samy I.McFarlane, Amal F. Farag, James R.Sowers (2005). Diabetes and Hypertension. Diabetes and cardiovascular disease. Second edition. Humana Press.

11.  Eva Gerdts, Kristian Wachtell, Per Omvik (2007). Left atrial size and Risk of major cardiovascular events during antihypertensive treatment: Losartan Intervention for endpoint reduction in hypertension trial. Hypertension American Heart Assciation.

12. Stanley S. Franklin (2007). Hypertension in the metabolic syndrome. Metabolic syndrome and cardiovascular disease. Informa Healthcare.

13. ADA (2014). Standards of Medical Care in Diabetes-2014.

 

BSCKII Châu Quôc Lượng