NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN THEO DÕI KHI SỬ DỤNG CATHETER TĨNH MẠCH NGOẠI BIÊN (KIM LUỒN)

09:08:00 25/05/2015

I. VẤN ĐỀ

Ngày nay, việc sử dụng các kim luồn tĩnh mạch ngoại biên (KLTMNB) trong bệnh viện rất phổ biến để phục vụ cho công tác chăm sóc, chẩn đoán, theo dõi và điều trị.

Tuy nhiên, khi người bệnh mang KLTMNB cũng phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Để tránh những tai biến trong quá trình mang kim luồn cần sự phối hợp của cả nhân viên y tế và người bệnh.

II. MỘT SỐ TÀI LIỆU


- Việc đảm bảo tuyệt đối vô khuẩn trong quá trình đặt catheter và quá trình chăm sóc đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các biến chứng, trong đó có biến chứng NKH (nhiễm khuẩn huyết). Theo giám sát quốc gia ở Mỹ, có khoảng 80.000 ca NKH có liên quan đến đặt catheter trên tổng số 250.000 ca NKH xảy ra hằng năm và là nguyên nhân gây ra 2.400 - 20.000 ca tử vong/năm.

Tại Việt Nam, nghiên cứu NKH ở khoa HSTC sơ sinh trên NB có đặt catheter cho thấy tần suất là 7.5 ca/1000 ngày điều trị. Chi phí ở những trẻ có NKH cao hơn nhiều so với trẻ không có NKH, ngày điều trị kéo dài thêm hơn đến 8 ngày.[1]

          - Ngày 27 tháng 9 năm 2012, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3671/QĐ-BYT về việc phê duyệt các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn. Trong đó, có hướng dẫn phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết trên người bệnh đặt catheter trong lòng mạch, khuyến cáo không nên thay KLTMNB thường quy trước 72-96 giờ ở người lớn.

- Nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Rạng, Huỳnh Thị Mỹ Thanh, Mai Nhật Quang, Lê Thị Tuyết Nga và Lý Thị Bích Hồng của Bệnh viện An Giang năm 2013: Thời gian lưu KLTMNB của nhóm A (thay kim luồn ≤ 72 giờ) và nhóm B (thay kim luồn theo chỉ định lâm sàng) lần lượt là 67,8 ±
5,4 và 106,3 ± 27,8 giờ. Tỉ lệ viêm tĩnh mạch nhẹ ở nhóm A là 11,0% và nhóm B là 20,2% (p=0,077).

Tỉ lệ vi khuẩn khu trú dương tính ở nhóm A là 17,6% và nhóm B là 10,1% (p=0,123).

Kết luận: Không có sự khác biệt về tỉ lệ biến chứng khi thay kim luồn tĩnh mạch ngoại biên theo chỉ định lâm sàng khi so sánh với thay kim luồn thường qui, vì vậy thay kim luồn tĩnh mạch ngoại biên theo chỉ định lâm sàng nên được áp dụng cho bệnh nhân người lớn khi truyền dịch tại bệnh viện.

III. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý

3.1. Nhân viên y tế [1]

-  Phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật khi đặt và chăm sóc catheter hằng ngày. Nguyên tắc vô khuẩn phải được đặt lên hàng đầu.

 

 
 


- Kỹ thuật sát khuẩn da vùng đặt phải đúng kỹ thuật.

 

 

 

- Khi lựa chọn vị trí đặt catheter nên ưu tiên các mạch máu ở chi trên.

- Phải sử dụng gạc vô khuẩn (gạc dạng bán thấm, gạc trong suốt) để che phủ vị trí đặt catheter, thay gạc che phủ nếu gạc bị ẩm ướt, không còn kín, nhìn thấy bẩn.

- Cần thăm khám, quan sát hằng ngày để phát hiện dấu hiệu sưng, nóng, đỏ và các dấu hiệu bất thường khác tại vị trí đặt catheter và toàn thân.

- Rút bỏ catheter trong trường hợp có sưng, nóng, đỏ, đau tại vị trí đặt hoặc có những dấu hiệu NKH có liên quan đến đặt catheter.

- Rút bỏ ngay các catheter khi không còn cần thiết cho chẩn đoán và điều trị.

- Phải giới hạn tới mức thấp nhất nhiễm khuẩn cho hệ thống tiêm truyền bằng cách sát khuẩn cửa bơm thuốc (bằng chlorhexidine, povidone iodine, iodophor hoặc cồn 70 độ) và giữ cho cửa đưa thuốc vào bằng thiết bị vô khuẩn.

- Cố định tốt catheter, để tránh tình trạng kim luồn bị tụt ra hoặc đẩy vào, kim luồn bị văng ra ngoài, hoặc gãy thân kim.

3.2. Người mang catheter

- Bản thân người bệnh mang catheter cũng như người nhà cũng phải theo dõi các dấu hiệu bất thường tại chỗ như sưng, nóng, đỏ, đau, ngứa; sốt và các dấu hiệu toàn thân khác. Khi nhận thấy bất thường báo ngay cho nhân viên y tế để xử trí kịp thời.

- Khi đặt catheter tất nhiên nhân viên y tế sẽ lựa chọn những vị trí thích hợp. Tuy nhiên, sẽ vẫn gây khó khăn cho người bệnh. Nên người mang catheter cần chú ý khi di chuyển, vận động tránh tình trạng va đập, căng kéo kim luồn dễ gây phù, chảy máu tại chỗ.

- Cần đặc biệt chú ý khi kim luồn không được cố định bằng gạc chống thấm, khi người bệnh vệ sinh, tắm không được để vị trí đặt thấm nước làm bong băng keo, gạc dễ gây tụt kim, chảy máu.

- Trường hợp khi khu vực đặt catheter bẩn, dính máu, mủ, ướt, bong tróc..... nên báo ngay cho nhân viên y tế để xử trí kịp thời.

- Đối với bệnh nhi, cần chú ý nhiều hơn, nên dùng gạc để che phủ, không để trẻ tự ý tháo kim.

1. Hướng dẫn phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết trên người bệnh đặt catheter trong lòng mạch, Quyết định số 3671/QĐ-BYT ngày 27 tháng 9 năm 2012 về việc phê duyệt các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn.

        CN. Văn Phượng Loan