DỊCH TỄ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

13:24:00 09/06/2015

Hiên nay và trong tương lai Đái tháo đường phát triển như là đại dịch - Đó là sự thật không còn nghi ngờ gì nữa. Bài viết này nhằm cung cấp một số thông tin về đại dịch bệnh Đái tháo đường.

1. Tình hình Đái tháo đường thế giới.

          Năm 1985 trên toàn thế giới có 30 triệu người đái tháo đường. Năm 2010, trên toàn thế giới có 7 tỷ người, dân số từ 20-79 tuổi 4,3 tỷ người. Tỷ lệ đái tháo đường tại thời điểm này là 6,6% và rối loạn đường huyết đói là 7,9%. Như vậy số đối người bị đái tháo đường là 285 triệu và rối loạn đường huyết đói 344 triệu người. Năm 2030 dự đoán dân số chung toàn thế giới 8,4 tỷ người đối tượng từ 20-79 tuổi 5,6 tỷ người, trong số này có 439 triệu người đái tháo đường tăng 54% so năm 2010. Tử vong liên quan đến đái tháo đường khoảng 4 triệu người mỗi năm và chi phí y tế đến 376 tỷ USD.

          Khu vực có số người bị đái tháo đường cao nhất là Tây thái bình dương 76,7 triệu; Đông Nam Á 58,7 triệu và Châu Âu 55,4 triệu. Tổng số cả 3 khu vực này chiếm 67% tỷ trọng đái tháo đường thế giới.

          Dự đoán đến năm 2030 ba khu vực trên cũng chiếm đầu bảng trên bản đổ đái tháo đường thế giới với tổng số người bị đái tháo đường 280,3 triệu chiếm 64%, tỷ lệ tăng lên đái tháo đường khu vực Đông Nam Á đáng báo động, chiếm đến 72%.

          Một điều đáng lưu ý là khu vực Châu Phi, Trung Đông và Bắc Phi có số lượng đái tháo đường không cao 23,9 triệu và 51,7 triệu. Nhưng tỷ lệ tăng lên sau 20 năm lần lượt là 98% và 94%, cao nhất thế giới. Hiện nay, nhóm tuổi bị bệnh nhiều nhất là từ 40 đến 59 năm. Đến năm 2030, nhóm tuổi từ 60-79 có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất.

         

 

2. Khu vực Châu  Á


          Đái tháo đường từng được coi là một căn bệnh của phương Tây, nhưng bây giờ có xu hướng lan sang châu Á. Theo ước tính Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế  hơn 60% dân số thế giới mắc bệnh đái tháo đường đến từ châu Á, bởi vì nó là khu vực đông dân nhất thế giới. Năm 2007 châu Á có 240 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và tăng lên 380 triệu và năm 2025. Nổi trội trong khu vực này là 3 nước Ấn độ, Trung quốc và Pakistan, năm 2010 có 101 triệu người bị đái tháo đường chiếm 35% trên toàn thế giới, Trung quốc là nước đứng thứ 2 với tổng số 63,5 tiệu trường hợp tỷ lệ tăng lên sau 20 năm là 45%. Pakistan là nước có tỷ lệ tăng lên đến 94% thuộc về hàng cao nhất thế giới. Một điều ghi nhận là trước kia đái tháo đường hay gặp ở các nước phát triển, nhưng hiện nay chiếm 70% ở các nước có thu nhập trung bình và  thấp.

3. Việt Nam

Nghiên cứu Nguyễn Huy Cường, năm 1999 – 2001, trên 3555 người từ 15 tuổi trở lên ở nội và ngoại thành Hà Nội. Tỷ lệ đái tháo đường chung là 2,4%, khu vực nội thành 4,3%, ngoại thành 0,6%. Trong đó 64% đái tháo đường mới phát hiện.

Nghiên cứu Nguyễn Hải Thủy, năm 2002 – 2004, trên 328 tu sĩ từ 15 tuổi trở lên có chế độ ăn chay  tại Huế cho thầy tỷ lệ mắc đái tháo đường là 9,75%. Nghiên cứu Nguyễn Hứa Quang, Nguyễn Hải Thủy năm 2004 – 2005 trên 101 đối tượng từ 40 tuổi trở lên là con của bệnh nhân đái tháo đường týp 2 ghi nhận. Tỷ lệ  đái tháo đường là 18,81% và rối loạn dung nạp đường là 17,82%. Mới đây Kết quả  nghiên cứu trên 721 nam và 1421 nữ tuổi từ 30 đến 72 ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy 11% nam và 12% nữ  mắc bệnh đái tháo đường.

          Các nghiên cứu ở tỉnh đồng bằng sông Cửu long như tỉnh Trà Vinh năm 2004 tỷ lệ bệnh đái tháo đường ở người trên 35 tuổi là 3,7%, tỉnh Hậu Giang, năm 2009, tỷ lệ bệnh đái tháo đường lứa tuổi từ 40 – 69 tuổi là 9,8%.

          Các cuộc điều tra dịch tễ học quy mô năm 1991 tại một số vùng lân cận Hà Nội tỷ lệ đái tháo đường khoảng 1%, Huế 0,9%. Điều tra toàn quốc năm 2002 tỷ lệ bệnh đái tháo đường 2,7%. Dự án điều tra toàn quốc năm 2012 trên 11000 người trong độ tuổi từ 30-69 tuổi. Kết quả cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường chung 5,42%; trong đó tại miền núi phía Bắc 4,82%, đồng bằng sông Hồng 5,81%, duyên hải miền Trung 6,37%, Tây Nguyên 3,82%, Đông Nam Bộ 5,95% và Tây Nam Bộ là 7,18%. Như vậy sau 10 năm tỷ lệ ĐTĐ toàn quốc tăng 200%.

Bùi Văn Dủ