GẮN BÓ VỚI NHÂN DÂN

08:49:00 18/08/2015

TỔNG QUAN

 

I. Tư tưởng, tấm gương đạo đức HỒ CHÍ MINH về gắn bó với nhân dân.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về gắn bó với nhân dấn.

          Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự gắn bó mật thiết với Nhân dân bắt nguồn  từ quan niệm của Bác coi Nhân dân là nguồn gốc của mọi sức mạnh. Bác viết: “...Trong bầu trời không gì quí bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. “Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”.

          Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về gắn bó với Nhân dân bắt đầu từ truyền thống dân tộc. Những quan niệm “Tập hợp bốn phương manh lệ”, “trên dưới đồng lòng, cả nước chung sức”, “tướng sĩ một lòng phụ tử”, “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, “chở thuyền là dân, lật thuyền là dân”, đã trở thành tình cảm tự nhiên, triết lý nhân sinh, phép ứng xử và tư duy chính trị của dân tộc Việt Nam. Phát huy truyền thống dân tộc, năm 1955, Người viết: “... với sự đoàn kết nhất trí của tất cả những người xứng đáng là con Lạc cháu Hồng – Mặt trận nhất định sẽ thành công trong việc đánh tan âm mưu của Mỹ và bè lũ tay sai của chúng và thực hiện hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”.

         

Hình 1: Bác Hồ với các cháu thiếu nhi.

 

Tư tưởng gắn bó với Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn bắt nguồn từ  tổng kết kinh nghiệm của phong trào cách mạng Việt Nam và thế giới. Người chỉ ra nguyên nhân không thành công của các phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là do chưa tập hợp được đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh chỉ rõ cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp là các cuộc cách mạng “không đến nơi”, bởi kết quả cuối cùng là chính quyền rơi vào tay một thiểu số người và bảo vệ lợi ích cho một nhóm ít người đó. Hồ Chí Minh nghiên cứu cách mạng Nga, rút ra nhiều bài học về huy động, tập hợp lực lượng từ Nhân dân, gắn bó với dân và luôn luôn bảo vệ lợi ích của đa số quần chúng Nhân dân.

          Với cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định sự cần thiết phải tập hợp quần chúng Nhân dân cho phong trào giải phóng dân tộc. Năm 1924, Người viết: “người ta không thể làm được gì cho Đông Dương nếu không phát huy được chủ nghĩa dân tộc ở họ…”. Vì vậy phải bắt đầu từ giác ngộ, tổ chức tập hợp quần chúng. Truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào yêu nước và phong trào công nhân, khơi dậy chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, tập hợp Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng là nguyên nhân chính của mọi thắng lợi của cách mạng. Khi nói về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh nói: “Nhất là vì lực lượng của cuộc toàn dân đoàn kết. Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đều nổi dậy theo lá cờ Việt Minh để tranh lại quyền độc lập cho Tổ quốc. Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”. Khi nói về công việc “Kháng chiến kiến quốc”, Người hỏi: Ai thực hiện “kháng chiến kiến quốc” ? và trả lời: “Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân”.

          Để gắn bó với dân, giữ vững mối liên hệ giữa cán bộ, đảng viên và Nhân dân, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải :

          - “Nhận rõ phải, trái. Giữ gìn lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân. Mọi việc thành hay bại là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không”.

          - Cán bộ của Đảng, Nhà nước “cần phải xung phong, gương mẫu trong sản xuất và trong công tác, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân, luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm, liêm chính”.

          - Với mỗi đảng viên “Bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân, trước Đảng, phải kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân”.

          - “…Vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu lợi ích của Đảng và lợi ích cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích Đảng”.

          - Cán bộ đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Phải kính yêu Nhân dân. Phải tôn trọng thật sự quyền làm chủ của Nhân dân. Tuyệt đối không được “kiêu ngạo, công thần, tự cao, tự đại"... Người dạy: "Cơm của chúng ta ăn, áo của chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi, nước mắt của Nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền ơn xứng đáng cho Nhân dân. Chớ vác mặt làm quan cách mạng để dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ".

2. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời gắn bó với nhân dân.

          Sinh ra trong một gia đình nho nghèo, cùng sống với các tầng lớp Nhân dân lao động, Hồ Chí Minh đã sớm có quan niệm và lối sống gắn bó với Nhân dân. Khi còn đang là học sinh trường Quốc học Huế, Người đã xuống đường hòa vào dòng người biểu tình chống thuế, giúp đỡ những người nông dân thể hiện các yêu sách của mình bằng tiếng Pháp.

          Rời trường học, Người bắt đầu cuộc đời lao động kiếm sống và hoạt động cách mạng. Dạy học tại trường Dục Thanh (Bình Thuận), người gắn bó với thanh niên, học sinh, truyền cảm hứng cho họ về lòng yêu nước, trách nhiệm của người dân, đặc biệt của thanh niên với Tổ quốc. Tiếp đó, Người đã học nghề và làm việc tại xưởng tàu với vai trò của người công nhân, trước khi lên tàu ra nước ngoài “xem người ta làm thế nào để về giúp nước”.

          Bôn ba qua nhiều nơi trên thế giới trong gần 10 năm đầu tiên sống ở nước ngoài, Người đã làm đủ nghề để kiếm sống và để hoạt động cách mạng. Làm phụ bếp trên tàu thủy, Người chia sẻ những nỗi vất vả, nguy hiểm của thủy thủ, khuyên nhủ họ dành tiền giúp gia đình. Làm bồi bàn, người gói những miếng bánh mỳ còn nguyên vẹn khi dọn các bàn ăn, dành để cho những người vô gia cư ở Luân Đôn sau khi hết buổi làm. Người gần gũi và trở thành đồng chí với các nhà cách mạng châu Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh, trong Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa…

          Sự gắn bó với Nhân dân trong những năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài và sau khi về nước không chỉ thể hiện quan điểm xuyên suốt gần dân, gắn bó với dân của Hồ Chí Minh, mà còn là một trong những nguyên nhân thành công trong sự nghiệp cách mạng rất phong phú và nhiều gian khổ của Người. Hai lần bị bắt, bị giam trong tù, Người chia sẻ những nỗi đau của bạn tù cùng cảnh ngộ và nhận được sự giúp đỡ của mọi người. Trong những năm đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến chống Pháp, Người sống trong dân, được giúp đỡ, chở che, và dân luôn ở bên Người, là nguồn lực, niềm tin của Người.

          Khi trở thành lãnh tụ cao nhất của Đảng và Nhà nước, Người vẫn muốn sống cuộc sống bình thường, ở trong ngôi nhà dành cho những người lao động. Dù bận giải quyết nhiều công việc hệ trọng, Người vẫn không quên theo dõi cuộc sống hàng ngày của các tầng lớp Nhân dân, phát hiện và thưởng hơn 5.000 huy hiệu Hồ Chí Minh cho những người tốt, việc tốt. Trong 10 năm 1959 – 1969, ở độ tuổi 70, Người đã hơn 700 lần đến cơ sở thăm và tìm hiểu tình cảnh của Nhân dân…

          Sự quan tâm đến con người và mọi tầng lớp Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tập trung trong bản Di chúc, lời dặn là “tâm nguyện” của Người. Điều đầu tiên Người muốn nói về con người. Trong những lời dặn lại, Người yêu cầu sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến mọi tầng lớp Nhân dân, không quên một ai, kể cả những người “lầm đường, lạc lối” hay những người là “hậu quả của chế độ cũ để lại”. Người dặn Đảng,  Nhà nước phải dựa và dân để xây dựng đất nước, xây dựng xã hội mới, bởi đây là “cuộc chiến khổng lồ”, chỉ có thể thực hiện được  khi dựa vào dân.

          Tấm gương suốt đời gắn bó với Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện một tư tưởng lớn, một nhân cách lớn của một anh hùng giải phóng dân tộc, chiến sỹ lỗi lạc của phong trào cách mạng thế giới, một nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại.

 

Phần II: KỂ CHUYỆN VỀ BÁC HỒ

Bác có phải là vua đâu

          Có một số người có ngôi cao, chức cả, sống  trong sự trọng vọng, chiều chuộng của mọi người, thường xuyên được hưởng sự ưu đãi đặc biệt, lâu dần cũng quen đi mà không hề biết rằng mình đã nhiễm phải thói đặc quyền, đặc lợi.

Suốt đời tâm niệm là người công bộc của nhân dân, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, Bác Hồ của chúng ta luôn luôn hòa mình vào cuộc sống chung của đồng bào, đồng chí, không nhận bất cứ một sự ưu tiên nào người khác dành cho mình.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhiều nhân sĩ, trí thức cao tuổi theo Bác lên Việt Bắc, đi kháng chiến, đèo cao, suối sâu, đường bùn lầy, nhiều vị phải nằm cáng. Anh em phục vụ lo Bác mệt cũng đề nghị Bác lên cáng, Bác gạt đi:

          - Bác còn khoẻ, còn đi được, các chú có nhiệm vụ đưa Bác đi như thế này là tốt rồi.

          Cuối năm 1961, Bác về thăm xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một xã có phong trào trồng cây tốt. Tại một ngọn đồi thấp, Bác đứng nói chuyện với nhân dân trong xã. Trời đã gần trưa, tuy đã sang đông mà nắng còn gay gắt. Nhìn Bác đứng giữa nắng trưa, ai cũng băn khoăn. Đồng chí Chủ tịch huyện cho tìm mượn được chiếc ô, định giương lên che nắng cho Bác, thì Bác quay lại hỏi:

          - Thế chú có đủ ô che cho tất cả đồng bào không? thôi, cất đi, Bác có phải là vua đâu?

          Một lần, trong bữa ăn, đồng chí phục vụ dọn lên cho Bác một đĩa cá anh vũ, một loại cá sông quý hiếm thường chỉ có ở khúc sông Hồng đoạn Bạch Hạt – Việt Trì. Nhìn đĩa cá biết ngay là của hiếm, Bác khen và bảo:

          - Cá ngon quá, thế mà chú Tô (tức đồng chí Phạm Văn Đồng) lại đi vắng. Thôi, các chú để đến chiều đồng chí Tô về cùng thưởng thức.

          Miếng ngon không bao giờ Bác chịu ăn một mình. Chia sẻ ngọt bùi là thế, tưởng chuyện cũng sẽ qua đi. Nhưng đến bữa sau, trong mâm cơm lại có món cá hôm trước. Nhìn đĩa cá, Bác hiểu ngay và tỏ ra không bằng lòng.

          - Bác có phải là vua đâu mà phải cung với tiến!

          Rồi Người kiên quyết bắt mang đi không ăn nữa. Như Bác đã từng nói, ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì Bác đâu có chấp nhận.

          Những anh em công tác trong Phủ Chủ tịch hàng ngày vẫn thường đi lại bằng xe đạp, thỉnh thoảng có gặp Bác đi bộ. Nhìn thấy Bác, mọi người đều xuống dắt xe chờ Bác đi qua rồi mới lên xe đi tiếp. Thấy vậy, Bác thường khoát tay ra hiệu bảo anh em cứ đi tiếp, không cần xuống xe. Nhưng ai có thể cho phép mình ngồi trên xe khi Bác đi bộ. Một lần, Bác gọi đồng chí vừa xuống dắt xe lại gần và bảo:

          - Các chú có công việc của mình nên cứ tiếp tục đạp xe mà đi. Bác đâu có phải là cái đền có biển “hạ mã” ở trước để ai đi qua cũng phải xuống xe, xuống ngựa?

          Lão Tử có nói: “Trời đất sở dĩ có thể dài và lâu vì không sống cho mình nên mới được trường sinh. Thánh nhân đặt thân mình ở sau mà lại lên trước, đặt thân mình ở ngoài mà lại còn”. Bác Hồ sống quên mình, không nghĩ đến mình mà lại trở thành sống mãi. Lời Lão Tử thật sâu sắc !.

 

Phần III: LIÊN HỆ VỚI CÁ NHÂN VÀ ĐƠN VỊ

 

          Trách nhiệm gắn bó với Nhân dân của người làm công tác y tế trước hết thuộc về cán bộ, đảng viên, công chức của Nhà nước, những người có nhiệm vụ lãnh đạo, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò quyết định của quần chúng Nhân dân đối với thắng lợi của cách mạng, khi Người thường nhắc “Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Trách nhiệm gắn bó với Nhân dân của cán bộ, đảng viên, công chức ngành y tế là để chăm lo, phục vụ Nhân dân, huy động sức mạnh trong Nhân dân thực hiện các nhiệm vụ y tế cách mạng. Gắn bó với Nhân dân còn là đạo lý của người làm công tác y tế, bởi “cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc  do Nhân dân cung cấp, tiền lương chúng ta nhận, phương tiện chúng ta làm việc là từ tiền thuế của dân”. Thực hiện gắn bó với Nhân dân, bắt đầu từ mục tiêu phục vụ Nhân dân là quay về những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần khắc phục sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân viên trong ngành y tế.

          - Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về gắn bó với  Nhân dân là phát huy bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam, lấy dân làm gốc. Hồ Chí Minh từng dạy “Gốc có vững, cây mới bền, Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”. Bài học có dân là có tất cả không chỉ đúng trong những năm “nếm mật nằm gai”, dựa vào dân để xây dựng phong trào trong đấu tranh giành, bảo vệ chính quyền, mà ngày nay càng chứng minh sự đúng đắn của nó. Trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân hằng ngày, người thầy thuốc phải chú ý lợi ích của dân, hết lòng vì Nhân dân. Các chủ trương, chính sách mới, nội quy, quy chế  không được Nhân dân thực hiện, không đi vào thực tiễn, chỉ nằm trên bàn giấy, các phong trào thi đua trở nên hình thức, các cuộc vận động, huy động sự đóng góp của dân bị phản ứng dưới nhiều hình thức, đều xuất phát từ việc không gắn bó với Nhân dân.

          - Gắn bó với Nhân dân còn là yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của Bệnh viện và các khoa – phòng. Đổi mới mô hình bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững đang yêu cầu cao về phát huy năng lực sáng tạo của quần chúng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân của quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay. Gắn bó với dân để phát huy những sáng kiến, kinh nghiệm trong tập thể cán bộ, viên chức, nhân viên y tế, ĐD, Bác sỹ, huy động sự ủng hộ của quần chúng nhân dân tạo động lực mới phát triển Bệnh viện.

          - Gắn bó với Nhân dân là dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng Bệnh viện ngày càng chuyên sâu, hiện đại. Đảng ta xuất thân từ Nhân dân, ngành y tế cũng không ngoại lệ như Hồ Chí Minh đã khẳng định. Đảng chỉ có một mục tiêu phấn đấu là vì nước, vì dân, ngoài ra Đảng không có lợi ích nào khác. Trong lịch sử đấu tranh oanh liệt, Đảng đã được Nhân dân yêu mến, giúp đỡ, chở che, “lòng dân yêu Đảng như là yêu con", nhờ đó mà đạt được thắng lợi. Ngày nay, trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong ngành y tế, Đảng không thể thành công nếu không dựa vào dân.

          - Nội dung gắn bó với Nhân dân của Bệnh viện, khoa – phòng hiện nay bao gồm nhiều mặt, từ xây dựng chủ trương, đường lối, kế hoạch đến tổ chức thực hiện. Một số điểm chính bao gồm:

          + Luôn luôn xuất phát từ lợi ích của đại đa số Nhân dân để xây dựng chủ trương, đường lối, kế hoạch .

          + Gần dân, là luôn quan tâm đến đời sống thực tiễn của cán bộ, viên chức, ĐD, Bác sỹ, nhân viên y tế và Nhân dân, để nắm vững tình cảm, tâm tư, nguyện vọng , yêu cầu của họ để cùng nhau giải quyết.

          + Lãnh đạo chi bộ, các khoa – phòng có các biện pháp để thực hành dân chủ thực sự trong cán bộ, viên chức, ĐD, Bác sỹ, nhân viên y tế và Nhân dân được tham gia, được nói, được bàn, được quyết định theo đa số những vấn đề thiết thân với dân ở cơ sở.

          + Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về KT – XH, VH, đảm bảo quyền lợi chính đáng của cán bộ, viên chức, nhân viên y tế, ĐD, Bác sỹ, hạn chế tác hại của lợi ích nhóm, chống tham nhũng có hiệu quả. Xử lý kiên quyết, kịp thời hành vi tham ô, tham nhũng, xâm hại đến lợi ích chính đáng của Nhân dân.

          + Tiếp tục thực hiện tốt các quy định trong sinh hoạt đảng, như sinh hoạt hai chiều, lấy phiếu tín nhiệm, điều tra dư luận xã hội, phục vụ cho công tác xây dựng Đảng hiện nay.  

Phần IV: CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

         

          Với vai trò trách nhiệm của một đảng viên, một trưởng khoa lâm sàng, thông qua việc nghiên cứu, học tập các nội dung của chuyên đề “Gắn bó với Nhân dân”, cá nhân tôi xin đề xuất với các cấp ủy và hệ thống chính trị một số giải pháp như sau:

          Một là, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng về việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thông qua đó nhằm giáo dục đạo đức, văn hóa trong Đảng gắn với nội dung chuyên đề về “Gắn bó với Nhân dân”. Về phương pháp giáo dục, tuyên truyền phải được tổ chức linh hoạt; phải làm cho mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thấy được những việc Bác đã làm và hiệu quả việc làm của Bác đối với sự nghiệp cách mạng; để từ đó kích thích, tạo ra động lực và tinh thần tự giác để đưa việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức của Bác trở thành một phong trào, một hành động cách mạng thường xuyên, cần thiết của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và của toàn dân.

          Hai là, luôn luôn xuất phát từ lợi ích của cán bộ, viên chức, ĐD, Bác sỹ, nhân viên y tế và Nhân dân để xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời với việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người công bộc tận tụy, trung thành của Nhân dân, công tác giáo dục, tuyên truyền cần kiên quyết đấu tranh, phê phán những quan niệm và biểu hiện sai trái. Đó là sự lầm lẫn giữa trọng trách được tổ chức giao phó với quyền lực cá nhân. Sự lẫn lộn đó dẫn tới “cơn khát quyền lực”, chạy chức, mua quyền, bán chức, lộng quyền, cửa quyền … Khi có quyền mà thiếu lương tâm sẽ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân, đục khoét dân, ăn của đút, “dĩ công vi tư”. Lúc sinh thời Bác Hồ đã cảnh báo: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”.

          Ba là, gần dân, luôn quan tâm đến đời sống của ĐD, Bác sỹ, nhân viên y tế và Nhân dân, nắm vững tình hình, hiểu rõ tâm trạng, yêu cầu, quan tâm đến việc bảo đảm an sinh, điều kiện sống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao trình độ hiểu biết của Nhân dân. Cán bộ, đảng viên, người thầy thuốc phải thấu hiểu và thấm nhuần một cách triệt để: trung thành với cách mạng chính là trung thành với sự nghiệp của Nhân dân. Hồ Chí Minh nhắc nhở, dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Cán bộ phải ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng, hết sức trung thành phục vụ Nhân dân. Có trung thành và quyết tâm phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc thì mới dám dũng cảm hy sinh quên mình vì nghĩa lớn. Lòng trung thành cao đẹp ấy phải được thể hiện bằng hành động thiết thực, cụ thể hàng ngày, trong từng công việc, phải biến khát vọng “phấn đấu cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, nhân dân được hoàn toàn tự do, mọi người đều có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” của Hồ Chí Minh thành hiện thực.

          Bốn là, Đảng ủy, Ban Giám đốc và các tổ chức đoàn thể cần có các biện pháp để thực hành dân chủ thực sự trong viên chức, ĐD, Bác sỹ, nhân viên y tế và Nhân dân, để viên chức, ĐD, Bác sỹ, nhân viên y tế và Nhân dân được tham gia, được nói, được bàn, được quyết định và giám sát những vấn đề thiết thân với mình. Cán bộ, đảng viên trung thành với lý tưởng, với đất nước, phải được thể hiện trong công việc hàng ngày, đó là: hướng tới phục vụ Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân. Bảo vệ thành quả chính đáng của cách mạng, cũng có nghĩa là phải bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho Nhân dân lao động. Đó là đạo đức chân chính của người cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp.

          Năm là, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về KTXH, VH, bảo đảm quyền lợi chính đáng của cán bộ, viên chức, ĐD, Bác sỹ, nhân viên y tế và Nhân dân, ngăn chặn lợi ích nhóm; phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả. Xử lý kiên quyết, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, mất dân chủ, xâm hại đến lợi ích chính đáng của Nhân dân.

          Để làm được những điều này, nhất định phải chống quan liêu, vì quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham nhũng và lãng phí. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc có tham ô, lãng phí;  nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô”. Vì vậy, chống tham nhũng, lãng phí phải gắn với chống quan liêu và là việc làm cần thiết, thường xuyên. Bệnh quan liêu làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí vượt khó của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là: cần, kiệm, liêm, chính. Thấy được tác hại của căn bệnh này, chúng ta cần phải quyết tâm để tẩy sạch nó đi, cũng như: “Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không, thì dù cày bừa có kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi. Muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu”.

          Sáu là, tiếp tục thực hiện tốt các quy định trong sinh hoạt Đảng, như sinh hoạt hai chiều, lấy phiếu tín nhiệm, chú trọng công tác điều tra dư luận xã hội, phục vụ cho công tác xây dựng Đảng. Trong đó, cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý phải thực hiện nghiêm lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

          1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng… vì dân chúng là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta.

          2. Phải tổ chức thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong.

          3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng mới giúp được.

         

TÀI LIỆU THAM KHẢO

         

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.

          3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

          4. 120 câu chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

5. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19 tháng 01 năm 2011.

 

BSCKII.Châu Quôc Lượng