CÁC PHÒNG CÁC KHOA
Liên kết |
HỒI SỨC CƠ BẢN CHO NGƯỜI LỚN13:57:00 06/07/2015
I. Một số thuật ngữ. Cấp cứu ban đầu là sự hỗ trợ và can thiệp ban đầu của người cấp cứu với người bị nạn, bị thương tích, bị bệnh cấp tính, mục đích là để cứu sống nạn nhân, hoặc làm hạn chế những nguy hiểm đe dọa người bệnh, hoặc ngăn không cho tình trạng xấu đi, thúc đẩy quá trình hồi phục. Ngưng tim (cardiac arrest) là tình trạng rối loạn co bóp của tim hay các nhát bóp không hiệu quả làm giảm lượng máu đưa vào tuần hoàn để nuôi cơ thể. Ngưng tim sẽ làm giảm lượng ôxy cung cấp cho tế bào trong cơ thể, đặc biệt là tế bào não Ngưng hô hấp tuần hoàn kéo dài trên 5 phút sẽ làm tổn thương nặng tế bào não. Nếu được điều trị kịp thời có thể cứu sống nạn nhân và hồi phục não. Hồi sức tim phổi (Cardiopulmonary resuscitation – CPR) là phương pháp điều trị cấp cứu ngưng hô hấp và tuần hoàn. Hồi sức tim phổi là kỹ thuật giúp cung cấp tuần hoàn, hô hấp nhân tạo cho nạn nhân để phục hồi tuần hoàn và hô hấp có hiệu quả. Trang bị kiến thức hồi sức tim phổi cơ bản cho người thầy thuốc sẽ giúp sơ cứu những trường hợp ngưng tim khi chưa có sự điều trị của đội ngũ y tế và có thể giúp nạn nhân qua cơn nguy kịch. Hồi sức cơ bản là một chuổi hành động cấp cứu nạn nhân bao gồm: nhanh chóng đánh giá, tiếp cận nạn nhân, thực hiện nhanh hồi sức ngưng hô hấp – tuần hoàn đồng thời sốc điện phá rung sớm. II. Chỉ định. - Ngưng thở. - Ngạt nước. - Đột quỵ. - Nhồi máu cơ tim. - Tắc đường thở do dị vật. - Ngạt khí. - Viêm nắp thanh quản. - Sử dụng thuốc quá liều. - Sét đánh. - Điện giật. - Các nguyên nhân khác: ngưng tim, sử dụng máy khử rung tự động ngoài cơ thể (Automated External Defibrillator – AED). III. Hồi sức tim – phổi (CPR). Nguyên tắc chung. - Đánh giá tình hình (Assessment). - Gọi báo động hệ thống cấp cứu (Activate the EMS system). - Bảo đảm khí đạo (Airway). - Hô hấp (Breathing). - Tuần hoàn (Circulation). - Tái đánh giá (Reassessment). Xử trí cụ thể. 1. Đánh giá tình hình (Assessment). Xác định đáp ứng của nạn nhân bằng cách vỗ nhẹ hoặc lắc nhẹ và lay gọi (hình 1): - Ông (bà) có khỏe không ? - Ông (bà) thấy thế nào ? Nếu không có sự đáp ứng của nạn nhân thì thực hiện bước tiếp theo. Hình 1: Đánh giá tình hình nạn nhân ban đầu. 2. Gọi báo động hệ thống cấp cứu (Activate the EMS system). - Nếu chỉ có một người cứu hộ thì hô to: cấp cứu. - Nếu có trên 2 người cứu hộ thì một người sẽ làm cấp cứu cơ bản trong khi người thứ hai gọi cấp cứu, sau đó quay lại trợ giúp người thứ nhất. 3. Bảo đảm khí đạo (Airway). Nạn nhân phải được nằm ngữa trên mặt phẳng cứng với hai tay để dọc theo cơ thể. Nếu đang nằm sấp thì: đầu, vai và lưng nạn nhân thành một chiều thẳng, tránh vặn xoắn. Các thao tác mở thông khí đạo: - Ngửa cổ (Head tilt – chin lift maneuver). - Ấn hàm (Jaw – thrust maneuver). Trong trường hợp nạn nhân bị chấn thương cột sống cổ không được thay đổi tư thế. Hình 2: Thao tác ấn hàm ngữa cổ.
4. Hô hấp (Breathing). Cần đánh giá hô hấp của nạn nhân thời gian không nên quá 10 giây bằng cách: - Nhìn chuyển động lên hoặc xuống của lồng ngực. - Nghe khí thoát ra từ trong hơi thở của nạn nhân. - Cảm giác chuyển động của không khí. Tư thế hồi phục. - Tư thế hồi phục; khi nạn nhân chưa hồi tỉnh nhưng đã có thể tự thở và có các dấu hiệu của tuần hoàn, vì vậy cần đặt nạn nhân ở tư thế hồi phục. Các phương pháp hô hấp: - Miệng – miệng (Mouth – to – mouth breathing): người cứu hộ hít vào thật sâu rồi thổi qua miệng thật chậm từ 2 – 5 nhịp thở vào miệng nạn nhân, mỗi nhịp kéo dài khoảng 2 giây ( tương đương 10 – 15 nhịp thở /phút). - Miệng – mũi (Mouth – to nose breathing). - Dùng bóng mặt nạ (Bag – mask device). Trường hợp cứu hộ chỉ có 1 người: Người cứu hộ sử dụng ngón tay trỏ và ngón tay cái (tay thuận) cố định chặt vành mặt nạ vào mũi – miệng nạn nhân, các ngón tay còn lại nâng hàm nạn nhân. Sử dụng tay còn lại (tay trái) bóp bóng giúp thở và quan sát lồng ngực nạn nhân có di chuyển theo nhịp bóp bóng giúp thở hay không. Cần phải nhớ rằng: cố định chặt mặt nạ nạn nhân là yếu tố quyết định thành công của kỷ thuật này. Nếu có điều kiện cung cấp oxy thì cho liều 8 – 12 lít/phút, tương đương FiO2 40%, bóp bóng với thể tích lưu thông 6 – 7 ml/kg (tương đương 300 – 500 ml) trong thời gian 1 – 2 giây. Nếu không có điều kiện cung cấp oxy thì bóp bóng – mặt nạ (Bag – mask device) với thể tích 10 ml/kg (tương đương 500 – 700 ml) trong thời gian 1 – 2 giây. Khi có trên 2 người tiến hành cứu hộ thì một người sẽ làm cấp cứu cơ bản trong khi người thứ hai gọi cấp cứu, sau đó quay lại trợ giúp người thứ nhất. Hình 3: Phương pháp miệng – mũi (Mouth – to – mouth breathing. 5. Tuần hoàn (Circulation). Kiểm tra các dấu hiệu tuần hoàn của nạn nhân; không vượt quá 10 giây. Đối với người cứu hộ không chuyên nghiệp thì không bắt buột bắt mạch cần thực hiện ngay: - Thổi ngạt 2 – 5 nhịp thở cho nạn nhân không có đáp ứng kích thích và không thở. - Đưa tay vào sát miệng nạn nhân để nhìn, nghe và cảm giác nhịp thở bình thường hoặc ho của nạn nhân. - Nhanh chóng lướt nhìn khắp người nạn nhân xem có dấu hiệu nào của sự cử động không. Nếu nạn nhân không thở bình thường hoặc không tin chắc có tuần hoàn thì lập tức tiến hành kỷ thuật nhấn lồng ngực (Chest Compression Technique) ngay. - Đặt tay đúng vị trí: Đặt cổ tay lên vùng giữa ngực, nằm thẳng hàng với hai núm vú (chỉ ở nam giới trưởng thành). Đối với nữ giới, cần phải ước lượng vị trí này vì còn phụ thuộc vào kích thước và hình dạng của vú. Người cứu hộ có thể nhận diện vùng giữa ngực này vì nó cũng thẳng hàng với phần cuối của nách. Đặt bàn tay còn lại của bạn ở phía trên bàn tay vừa rồi và đan các ngón tay lại. Chỉnh cho vai của bạn thẳng trên tay của bạn và duỗi thẳng cánh tay của bạn ra. Sau đó, hãy đẩy về phía cổ tay của bạn, nhấn xuống khoảng 5 – 6 cm (tương đương 2 – 2.5 inches), nhấn lồng ngực 15 lần (tương đương với nhịp tim 100 lần/phút) bằng cách đếm “1, 2, 3, …14, 15”. Mỡ khí đạo và cung cấp 2 lần thổi ngạt (tương đương 2 giây/lần thổi) và thực hiện liên tiếp 4 lần. Thực hiện 15 lần nhấn lồng ngực cho 2 lần thông khí nhân tạo. Hình 4: Thao tác hô hấp nhân tạo và nhấn tim ngoài lồng ngực. Chú ý: - Khi nạn nhân có chấn thương cột sống cổ thì không được thay đổi tư thế. - Dấu hiệu nhấn lồng ngực có hiệu quả: + Mỗi lần nhấn lồng ngực sờ thấy mạch bẹn đập. + Huyết áp động mạch 70 – 80 mmHg. + Đồng tử không giãn to thêm. + Sắc mặt nạn nhân hồng hơn. + ECG nhìn thấy rỏ, nhịp đều hơn. 6. Tái đánh giá (Reassessment). - Tuần hoàn. - Hô hấp. IV. Biến chứng. 1. Biến chứng do giúp thở: - Dạ dày chướng to. - Trào ngược dạ dày thực quản. 2. biến chứng do nhấn lồng ngực: - Gãy xương sườn. - Gãy xương ức. - Tràn khí, tràn máu màng phổi. - Giập phổi. - Rách gan và lách. - Thuyên tắc phổi. V. Tiêu chí ngừng hồi sức cơ bản. Hồi sức cơ bản tuần hoàn, hô hấp thông thường có xu hướng không thành công và được cân nhắc ngưng nếu không có dấu hiệu tái lập lại hô hấp và tuần hoàn trong vòng 30 phút. Nếu trong thời gian 30 phút mà có một lúc nào đó nạn nhân có tái lập tuần hoàn thì cân nhắc kéo dài thêm thời gian hồi sức thêm nữa, thường gặp trong các trường hợp quá liều thuốc hoặc ngạt nước. Một số trường hợp cần lưu ý: - Nạn nhân bắt đầu thở bình thường. Thở bình thường là không bao gồm việc thở hổn hển, còn được gọi là thở hấp hối. Trong lúc thực hiện kỷ thuật nạn nhân có thể sẽ phát ra những tiếng thở dài, hoặc rên rỉ, đây là âm thanh do không khí thoát ra khỏi phổi gây nên và người cứu hộ vẫn phải tiếp tục thực hiện kỷ thuật khi nghe những tiếng này. - Khi nạn nhân ói. Là dấu hiệu cho thấy cơ thể nạn nhân bắt đầu hoạt động lại, và ói mửa một cách tích cực. Không nên nhầm lẫn điều này với việc trào ngược, khi những thứ ở dạ dày di chuyển thụ động lên miệng. Nếu nạn nhân ói, hãy nghiêng họ qua một bên, tách khí quản của họ ra (nếu bị tắc) sau khi họ ói và tiếp tục thực hiện các kỷ thuật. Nạn nhân ói mửa là một điều không trông đợi cho người cứu hộ. Nên cố gắng làm sạch miệng nạn nhân bằng nhiều biện pháp có thể và tiếp tục sơ cứu. Nếu không có các phương tiện và cảm thấy ngại, thì hãy làm kỷ thuật nhấn tim thôi ( bỏ qua hô hấp nhân tạo). - Khi đã có sự trợ giúp chuyên môn cũng “đừng dừng lại” cho tới khi được phép. Vì họ có thể cần thời gian để chuẩn bị các dụng cụ và đánh giá nạn nhân (như người cúu hộ đã làm ở bước đầu tiên), vì thế cứ tiếp tục sơ cứu cho tới khi được bảo dừng lại. - Khi không đủ thể lực tiếp tục kỷ thuật hồi sức trong một thời gian dài. Hãy thay phiên với một người khác thành thạo về sơ cứu để giảm nguy cơ kiệt sức. - Có những mối nguy hiểm có thể thay đổi, và nếu người cưu hộ bị đe dọa bởi những nguy hiểm ấy, thì nên ngừng việc sơ cứu. Nếu có thể, hãy đưa nạn nhân ra khỏi mối nguy hiểm luôn, nhưng đừng gây hại cho sức khỏe, hay nghiêm trọng hơn tính mạng của người cứu hộ.
Tài liệu tham khảo 1. American Heart Association – AHA “Highlights of the 2010 American Heart Association Guidelines for CPR and ECC”. 2. Guidelines 2000 for Cardiopulmonary Resuscitation and Emergency Cardiovascular Care. International Consensus on Science. Circulation.
BS. CKII. Châu Quốc Lượng |