CHUYÊN ĐỀ “VỀ TRUNG THỰC, TRÁCH NHIỆM”

13:21:00 09/07/2015

Phần I

TỔNG QUAN

I. TƯ TƯƠNG, TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

 VỀ TRUNG THỰC, TRÁCH NHIỆM

1. Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm.

a) Tư tưởng Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm.

          - Tư tưởng Hồ Chí Minh về “trung thực ”

           + Trung thực là thành thực với chính mình, với mọi người, với công việc; luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức, chân thật trong từn lời nói và hành động. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất, tạo nên định hướng giá trị nhân cách chân chính. Tính trung thực giúp con người được được tin cậy. Người trung thực không chấp nhận gian dối trong bất kỳ việc gì. Trung thực làm nên tính cách tự trọng, thẳng thắng của cá nhân; tạo nên uy tín, sức mạnh cho tập thể. Sống trung thực đòi hỏi phải dũng cảm và nghiêm khắc với chính bản thân. Do đó, trung thực luôn luôn gắn liền với trách nhiệm.

           + Trung thực là phẩm chất hàng đầu của cán bộ, đảng viên làm công tác lãnh đạo, quản lý. Những người thiếu trung thực, sớm muộn cũng bị phát hiện, làm mất lòng tin người khác. Người thiếu trung thực thì không thể duy trì mối quan hệ chặt chẽ, lâu dài với những người xung quanh. “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Để cũng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên; của cán bộ, đảng viên nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cần đề cao tính trung thực đi đôi với trách nhiệm của từng cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và mỗi đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên giử cương vị lãnh đạo, quản lý.

           + Trung thực, trước hết là sự trung thực với chính mình, trung thực với người khác, không được “nói mà không làm”, “hứa mà không làm”. Lời nói, lời hứa chỉ có giá trị khi đi liền với việc làm cụ thể. “Làm” ở đây là hành động từ việc nhỏ đến việc lớn, là hoạt động thực tiễn tổ chức thực hiện, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Hồ chí minh yêu cầu cán bộ, đảng viên “Nói ít, bắt đầu bằng hành động”; “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”. Cán bộ, đảng viên “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh (…), phải thật thà nhúng tay vào việc”. Đối với Đảng, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó hóa ra như lời nói suông mà còn hại đến lòngtin cậy của nhân dân đối với Đảng”. Đảng phải luôn luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn để hoàn thành trách nhiệm trước nhân dân. Khi mắc sai lầm, khuyết điểm thì dũng cảm nhận lổi trước dân và kiên quyết dựa vào dân để sửa chữa khuyết điểm.

                 + Trung thực trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh mang nội dung đạo đức cao quý của người cộng sản, những người công khai nói về sự tự nguyện hy sinh, cống hiến cả cuộc sống của mình cho mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trong công việc, trung thực phải luôn luôn gắn bó với trách nhiệm.

           + Trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trách nhiệm là việc phải làm, không thể thoái thác. Trách nhiệm là bổn phận của mỗi người, dù ở cương vị nào. Ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân là sự tự ý thức về các công việc phải làm, “nhận rỏ phải, trái, đúng sai”, tự mình xác định việc cần làm. Trên cơ sở có ý thức đúng đắn, tự giác, tích cực thực hiện trách nhiệm của mình là:

           + Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, biểu hiện cụ thể của trung thực và trách nhiệm là nói đi đôi với làm. Đó là nguyên tắc thực hành đạo đức, là phương châm hoạt động, là biểu hiện sinh động, cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống giữa lý luận với thực tiển, giữa suy nghĩ và hành động trong một con người. Trung thực, trách nhiệm là phải nói và làm đúng chủ trương, đường lối của đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống chủ nghĩa cá nhân, không được vì lợi ích cá nhân mà nói sai, làm sai. Nắm vững mục tiêu lý tưởng của Đảng trong toàn bộ tiến trình cách mạng và được cụ thể hóa thành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong từng giai đoạn để thực hiện cho đúng; để tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân làm theo cho đúng. Trung thực, trách nhiệm cũng có nghĩa là kiên quyết bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái tích cực; dũng cảm đấu tranh với cái sai, khuyết điểm, cái tiêu cực, ngiêm khắc tự phê bình, phê bình, thẳng thắng nhìn nhận khuyết điểm của cá nhân và tổ chức mình, cầu thị, tích cực sửa chữa hạn chế, khuyết điểm.

          Với cán bộ, đảng viên, trung thực, trách nhiệm, trước hết là trách nhiệm với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, sau đó là trách nhiệm với bản thân, gia đình, quê hương. Xây dựng, rèn luyện bản lĩnh vững vàng, có niềm tin vào mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, phấn đấu vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

          Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về trung thực, trách nhiệm với mình, với người, với việc, thể hiện trong tư tưởng và lẽ sống của Người.

          Từ lòng yêu nước, Người xác định trách nhiệm của mình là phải cứu nước và suốt đời phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng đó. Ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh mang theo hào bão, khát vọng giành lại nền độc lập cho tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Người đã xác định trách nhiệm của người dân đối với Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Người đã xác định trách nhiệm của nhân dân đối với của Tổ quốc, nhất là khi Tổ quốc lâm nguy, hoặc trong những giai đoạn khó khăn, gian khổ. Những hoạt động của Người trong thời gian tìm đường cứu nước (1911-1920) là công việc tự giác, là trách nhiệm của một người dân đối với Tổ quốc, đối với dân tộc, nhân dân mình. Suốt gần 10 năm trải qua bao khó khăn, gian khổ, tìm tòi, khám phá, chêm nghiệm, cuối cùng Người đã tìm được con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

                Sau khi tìm được con đường cứu nước, Hồ Chí Minh xác định trách nhiệm thức tỉnh dân tộc Việt Nam, trước hết là lớp thanh niên, trí thức yêu nước, về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Đầu năm 1930, trên cơ sở hợp nhất các tổ chức cách mạng theo xu hướng mácxít, Người sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam và lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân đấu tranh giành độc lập ch Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

          Trong 15 năm, từ năm 1930 đến năm 1945, Hồ Chí Minh hai lần bị thực dân, đế quốc bắt, bị giam cầm trong lao tù. Trong hoàn cảnh hết sức gian khổ, khó khăn đó, Người xác định: “Muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần càng phải cao”, “Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”. Trong những năm hoạt động bí mật trên chiến khu, Người đã cùng đồng chí, đồng bào sống cuộc sống gian khổ nhưng đầy lạc quan cách mạng, chuẩn bị tinh thần và lực lượng đấu tranh giành chính quyền. Trong lời kêu gọi nhân dân tham gia Mặt trận Việt Minh, Người xác định trách nhiệm của mình: “ Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”.

          Từ sau năm 1945, với cương vị là người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Hồ Chí minh luôn gương mẫu thể hiện trách nhiệm người công dân của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa và trách nhiệm nặng nề của người lãnh đạo cao nhất. Trong bài Nói chuyện cùng đồng bào trước khi sang Pháp, Người tâm sự: “ Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân.

          Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo-là vì mục đích đó (…). Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ít quốc lợi dân”. Trong hoàn cảnh cách mạng “ngàn cân treo sợi tóc” những năm 1945-1946, Người xác định trọng trách cùng với đảng, với dân bảo vệ nền độc lập dân tộc mới giành được, xây dựng đất nước, mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

          Toàn bộ cuộc đời Hồ Chí Minh, không có gì khác, là sự thống nhất giữa mục tiêu, lý tưởng và hành động; giữa tư tưởng đạo đức và thực hành đạo đức cách mạng, đạo đức làm người. Tấm. Tấm gương trung thực, trách nhiệm của Hồ Chí Minh thể hiện rỏ ràng, xuyên suốt trong lẽ sống và lối sống của Người; phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người phê phán: “Có những người miệng thì nói: Phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng bị vật chất dỗ dành mà phạm vào tham ô, lãng phí, hại đến Tổ quốc, nhân dân”

          Tấm gương trung thực, trách nhiệm của Hồ Chí Minh thể hiện trong lối sống trọng danh dự, trung thực, giử chử tín, nói đi đôi với làm, nêu gương, làm gương trước. Người khẳng định: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”. “Nếu chính mình tham ô bảo người khác liêm khiết có được không ? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”. Lối sống, phong cách của Hồ Chí Minh thể hiện rỏ phương pháp: muốn người khác nghe theo thì phải là con người có tấm lòng trong sáng, phải chính tâm, phải thật sự là tấm gương.

          Trung thực, trách nhiệm, theo Hồ Chí Minh là sống giản dị, thanh bạch, khiêm tốn: Người ở trong ngôi nhà của người công nhân từng phục vụ Toàn quyền Pháp thời trước đó; đi dép cao su, mặc áo vá vai, dùng loại ô tô đơn giản nhất, dùng chiếc quạt bằng lá cọ dân dã, bữa ăn đạm bạc với tương cà quê hương… Trong quan hệ Nhà nước và nhân dân, Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ trách nhiệm của mình, đó là nhận sự ủy thác của quốc dân, đồng bào, hoàn thành trách nhiệm được Tổ quốc, nhân dân giao phó “cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”; cả cuộc đời chỉ có một ham muốn tột bật là: “Nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

          Trong quá trình cách mạng, có lúc Đảng, Nhà nước phạm phải sai lầm, khuyết điểm. Khi đó, với tinh thần trung thực, dám chịu trách nhiệm Người đứng lên, thay mặt Đảng, Chính phủ xin lổi nhân dân. Trong Thư gửi đồng bào nông thôn và cán bộ nhân dịp cải cách ruộng đất ở miền bắc căn bản hoàn thành, sau khi nêu những khuyết điểm, sai lầm của Đảng trong việc đoàn kết nông thôn, việc chấn chỉnh tổ chức, trong chính sách thuế nông nghiệp, Người viết: “Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm ấy, và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa, nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân nhân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất”.

 

Phần II

KỂ CHUYỆN VỀ BÁC HỒ

 Chuyện thứ nhất: KHÔNG AI ĐƯỢC VÀO ĐÂY

          Sách "Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử", tập 10, do Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh biên soạn, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành năm 1996, trang 334, có đoạn: Ngày 27 tháng 4 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bỏ phiếu bầu Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã... Người bỏ phiếu tại hòm phiếu số 6, đơn vị 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội, đặt tại Nhà thuyền Hồ Tây. Khi Bác Hồ đến, trong Nhà thuyền đã có nhiều cử tri đang bỏ phiếu. Tổ bầu cử thấy Bác đến, ra hiệu để đồng bào tạm dừng và tạo "điều kiện" để Bác bỏ phiếu trước.

          Biết ý, Bác nói "sòng phẳng":            

          - Ai đến trước, viết trước, Bác đến sau, Bác chờ.

          Bác chờ cho đến hàng mình, mới nhận phiếu và vào "buồng" phiếu. Nhà báo Ma Cường chợt nghĩ thật là "hạnh phúc một đời của người làm báo", "cơ hội ngàn năm có một" và vội giơ máy lên bấm, rất nhanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy tay che phiếu lại, nói với Ma Cường:

          - Không ai được vào đây. Đây là phòng viết phiếu kín của cử tri. Phải bảo đảm tự do và bí mật cho công dân.

          Nhà báo buông máy, nhưng vẫn thấy hạnh phúc. Theo lời kể của các đồng chí ở gần Bác, trước khi đi bầu cử Bác không cho ai "gợi ý" cả, Bác nói:

          - Ấy, đừng có "lãnh đạo" Bác nhé. Bác không biết đảng uỷ hướng dẫn danh sách để ai, xoá ai đâu nhé. Đưa lý lịch của những người ứng cử đây để Bác xem. Có chú nào dự buổi ứng cử viên trình bày ý kiến với cử tri, nói lại để Bác cân nhắc, Bác tự bầu.

          Chuyện thứ 2: BÁC MUỐN BIẾT SỰ THẬT KIA

          Hòa bình lập lại, mặc dù rất bận, Bác vẫn dành thời gian đi thăm bà con nông dân. Lần ấy, vào vụ thu hoạch mùa. Anh em cảnh vệ chúng tôi được lệnh đến trước và bố một số chiến sĩ cùng gặt với bà con để tiện cho việc bảo vệ Bác. Trên cánh đồng lúa vàng trải rộng, có khoảng năm sáu tổ đang khẩn trương gặt hái, mấy tổ gặt ở kề ngay đường còn một nhóm gặt mãi xa trong cánh đồng lầy lội. Chúng tôi nghĩ, chắc là Bác sẽ đến thăm mấy tổ gần đường, vì vậy một số anh em bảo vệ trà trộn cùng dân gặt trong những nhóm đó. Chuẩn bị xong, chúng tôi yên chí chờ đợi... Một lúc sau xe Bác đến và dừng lại gần chỗ chúng tôi bố trí. Bác xuống xe nhưng không lại chỗ bà con đang gặt gần đường, Người xắn quần, tháo dép đi thẳng ra nhóm đang gặt ở đằng xa. Thấy vậy một đồng chí trong chúng tôi lúng túng gợi ý:

          - Thưa Bác, chỗ đằng kia nông dân gặt đông quá ạ!

          Bác quay lại nói ngay:

          - Đông gì? Các chú bố trí đấy!

          - Rồi Bác tiếp tục đi. Chúng tôi anh nọ nhìn anh kia ngượng quá. Đến chỗ bà con nông dân đang gặt ở giữa cánh đồng, Bác ân cần hỏi han từ chuyện trong nhà đến việc ngoài đồng... Do hóa trang rất khéo, vả lại buổi đi thực tế của Bác rất bất ngờ, nên bà con nông dân cứ ngỡ là một cán bộ già đi qua đường xuống thăm nói chuyện với Bác rất tự nhiên, vui vẻ. Lúc về nhà, Bác bảo chúng tôi: "Các chú nên rút kinh nghiệm, nếu làm việc gì cần phải bí mật, thì phải làm sao để không ai phát hiện được (hóa ra Bác đã đón thấy trong đám gặt gần đường có cả những anh "nông dân" mặc quần kaki đi gặt). Bác nói tiếp: - Lần này đi thăm bà con nông dân. Bác muốn nói chuyện thật tự nhiên để biết tình hình thực tế. Bác thì Bác muốn biết sự thật kia! Đối với nông dân, điều đầu tiên là phải chân thực.

Phần III

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

          - Yêu cầu của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “về trung thực, trách nhiệm” là mỗi chúng ta, nhất là cán bộ, đảng viên, là người cán bộ y tế, cần xây dựng lối sống trung thực, trách nhiệm. Phải thật sự trung thực, trách nhiệm với chính mình, với bệnh nhân, với gia đình, người thân; trung thực, trách nhiệm với bạn bè, đồng chí, với Tổ quốc và nhân dân. Phải khắc phục cho được tình trạng thiếu trung thực, dối mình, dối Đảng, dối với đồng nghiệp và bệnh nhân. Phải chống lại thói ích kỷ, tính tham lam; kiên quyết đấu tranh tệ nạn vô cảm với người bệnh, thói xấu ban ơn, cò bệnh nhân, tệ nạn phong bì, sử dụng bằng giả, lừa dối trong điều trị, trong quan hệ với đồng nghiệp và gia đình bệnh nhân.

          - Trung thực đi liền với trách nhiệm. Mỗi một cán bộ y tế đều có những trách nhiệm với những biểu hiện cụ thể nhất định. Người có cương vị càng lớn trách nhiệm phải càng cao. Đã trung thực với chính mình thì không bao giờ từ bỏ trách nhiệm của mình. Trung thực và trách nhiệm góp phần để khắc phục suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trong thực hành lâm sàng, trong cơ quan và trong Đảng.

          - Để làm được như vậy, trước hết phải nâng cao nhận thức về phẩm chất trung thực, trách nhiệm trong công việc và trong cuộc sống, coi đó là đức tính cần thiết và quý báu, là phẩm giá của mỗi người cán bộ y tế. Trong giai đoạn hiện nay, sống trung thực, trách nhiệm giúp chúng ta không những giữ vững nhân cách người cán bộ y tế mà còn góp phần làm lành mạnh các mối quan hệ xã hội để có được niềm tin của mọi người.

          - Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm phải tạo ra sự chuyển biến về tình cảm và nhân cách: tôn trọng chân lý, yêu cái đúng, ghét cái sai, tôn trọng sự thật, lẽ phải; sống ngay thẳng, thật thà, dũng cảm nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm. Phải tự giác phấn đấu, rèn luyện đạo đức người làm công tác y tế, tự phê bình, phê bình, cầu thị, sửa chữa khuyết điểm, khắc phục những mặt hạn chế, tiêu cực, phát huy ưu điểm và mặt tích cực.

          - Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm là nỗ lực hành động vì chân lý, vì sự tiến bộ, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đặt quyền lợi cá nhân trong quyền lợi chung của nhân dân, đất nước; biết mình vì mọi người, vì mọi người trước khi làm cho mình; sống trung thực, trách nhiệm với người bệnh, người nhà bệnh nhân, đồng nghiệp, đồng chí và với chính mình. Muốn người khác trung thực, trách nhiệm với mình, thì trước hết mình phải là người trung thực, trách nhiệm. Người có nhân cách, có lòng tự trọng phải không ngừng tu dưỡng để có được phẩm chất trung thực, trách nhiệm. Xây dựng người thầy thuốc Việt Nam yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo... là những đặc tính rất quan trọng đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 9 (khoá XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

 

Phần IV

CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

          Với tư cách, trách nhiệm của một đảng viên, một Bác sỹ điều trị, thông qua việc nghiên cứu, học tập các nội dung của chuyên đề “về trung thực, trách nhiệm”, cá nhân tôi tổng hợp và xin đề xuất với các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị mấy vấn đề mang tính giải phápnhư sau:

          - Trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng về việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thông qua đó nhằm giáo dục đạo đức, văn hóa trong Đảng gắn với nội dung chuyên đề về trung thực, trách nhiệm. Về phương pháp giáo dục, tuyên truyền phải được tổ chức linh hoạt; phải làm cho mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thấy được những việc Bác đã làm và hiệu quả việc làm của Bác đối với sự nghiệp cách mạng; để từ đó kích thích, tạo ra động lực và tinh thần tự giác để đưa việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức của Bác trở thành một phong trào, một hành động cách mạng thường xuyên, cần thiết của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và của toàn dân.

          - Thứ hai, cần xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện trong các cấp ủy, tổ chức Đảng. Nội dung chương trình, kế hoạch quán triệt, tổ chức học tập cần đảm bảo yêu cầu thiết thực, cụ thể và dễ thực hiện. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của đảng viên; định kỳ tổ chức sơ, tổng kết việc thực hiện 08 nội dung của Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị cũng như kịp thời biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình, tiến tiến trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Tổ chức, hướng dẫn cho cán bộ, đảng viên đăng ký những việc làm theo một cách cụ thể, thiết thực, xuất phát từ thực tiễn công việc, từ yêu cầu công tác chuyên môn cũng như vị trí công tác, trách nhiệm được giao để thực hiện đạt hiệu quả cao nhất; qua đó, phát huy tốt nhất tính trung thực, tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nêu gương, lắng nghe và giải quyết kịp thời chính đáng những quyền lợi chính đáng của nhân dân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

          - Cuối cùng, theo tôi từng cán bộ, đảng viên phải phấn đấu là một tấm gương, mà trước hết là tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức của Bác. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện được 3 tư cách: là một thầy thuốc giỏi, là người lao động giỏi; là người công dân gương mẫu và cuối cùng phải là một chiến sỹ tiên phong trong công cuộc đổi mới, thực hiện cho được mục tiêu của công cuộc đổi mới là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

          Tóm lại, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhấn mạnh vào học tập đạo đức cách mạng trong sáng của Bác, học tập tấm gương cao cả của Bác trong thực hành đạo đức suốt cả cuộc đời, nhưng đồng thời phải gắn với tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là kim chỉ nam cho hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên để vượt qua những khó khăn, thách thức để đưa đất nước phát triển, thực hiện mục tiêu của Đảng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd.

 

BSCKII Châu Quôc Lượng