TƯ TƯỞNG, TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH VỀ ĐOÀN KẾT, XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG SẠCH VỮNG MẠNH

09:10:00 18/08/2015

PHẦN I: TỔNG QUAN

 

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết thống nhất trong Đảng .

          Trong di sản lý luận của mình, Bác Hồ có hàng trăm bài nói và viết về đoàn kết. Tư tưởng đoàn kết nổi bật của Bác là: “Đoàn kết làm ra sức mạnh”; “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta”; “Đoàn kết là thắng lợi”; “Đoàn kết là then chốt của thành công”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

          Đoàn kết thống nhất trong Đảng là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong xây dựng Đảng, là sự vận động và phát triển theo đúng quy luật của Đảng. Đoàn kết thống nhất trong Đảng là cơ sở để xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng luôn được Hồ Chí Minh coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là nền tảng cho mọi thành công. Đoàn kết thống nhất không chỉ là vấn đề sinh tử của từng tổ chức Đảng các cấp, mà còn là sinh mệnh của toàn Đảng, là vấn đề sống còn của cách mạng.

 

Hình 1. Bác Hồ với Nhân dân Pác Bó, Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng.

 

          Trong Di chúc của mình Bác dành nhiều tâm huyết để hoàn thành, từ năm 1965 Bác đã viết: “Trước hết nói về Đảng” và Người đã khẳng định sức mạnh to lớn của đoàn kết qua thực tiễn cách mạng nước ta: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và dân tộc ta”. Như vậy có thể thấy, đoàn kết thống nhất trong Đảng không chỉ là mối quan tâm lớn hàng đầu của Người mà còn là sự trăn trở khi Người nghĩ về cả mai sau.

          Trong mọi lúc, mọi nơi, Hồ Chí Minh đều thể hiện sự quan tâm, nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân về xây dựng khối đoàn kết thống nhất. Tại Lễ mừng Quốc khánh 2/9/1955, Người kêu gọi: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch. Lực lượng đoàn kết đã giúp Cách mạng Tháng Tám thành công. Lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi. Lực lượng đoàn kết sẽ động viên nhân dân từ Bắc đến Nam đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước”. Tại Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Người nói: “Một chiếc thuyền phải có người chèo, phải có người lái… người chèo và người lái phải đoàn kết với nhau”.

Tại sao Bác Hồ lại luôn nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa quan trọng của đoàn kết thống nhất. Người không chỉ nêu ra yêu cầu phải đoàn kết trong Đảng mà Người còn chỉ rõ sự đoàn kết ấy phải là đoàn kết nhất trí, đoàn kết thống nhất, đó không phải là đoàn kết giả tạo, hình thức, nó phải thể hiện cả ở tư tưởng, cả trong hành động. Tư tưởng và hành động phải thống nhất. Không thể bề ngoài là đoàn kết nhưng những khi cần ra một quyết định, ban hành một quyết sách thì không có được sự thống nhất hay khi cần thì liên minh nhau lại nhân danh đoàn kết, khi không cần thì tìm cách cản trở công việc của nhau. Trong tư tưởng của Người, đoàn kết phải là đoàn kết thống nhất, trước sau như một, tức là phải dựa trên nền tảng đường lối, quan điểm của Đảng và vì lợi ích của tập thể. Người luôn nhấn mạnh: “Đảng tuy có nhiều đảng viên, song khi tiến hành nhiệm vụ cách mạng thì chỉ như một người, trong Đảng không cho phép có tình trạng  trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Đảng là tổ chức chính trị cao nhất của Nhân dân, của dân tộc, các đảng viên đều tham gia tổ chức một cách tự giác, tự nguyện, việc giữ vững và thực hiện nghiêm minh các nguyên tắc của Đảng không chỉ là nguyện vọng của nhân dân mà còn là trách nhiệm của mỗi đảng viên. Người coi nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản và quan trọng, trong từng tổ chức Đảng phải thực hành dân chủ, mở rộng dân chủ, “Phải thực sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình”, mọi ý kiến, suy nghĩ của mỗi đảng viên đều phải được bày tỏ, được lắng nghe, mọi quyết định quan trọng đều phải được bàn bạc, thảo luận một cách dân chủ. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm túc tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Đoàn kết thống nhất trong Đảng đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải thật thà tự phê bình và phê bình, đây chính là một hình thức rèn luyện đảng viên để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Theo Hồ Chí Minh: “Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình và kiên quyết sửa chữa. Do tự phê bình và phê bình…mà chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ”. Đây cũng là quy luật phát triển của Đảng, tự phê bình và phê bình là để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, để công việc được hiệu quả hơn, để đoàn kết và thống nhất trong nội bộ. Để thực hiện đoàn kết thống nhất trong Đảng, Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Hồ Chí Minh căn dặn “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Theo Bác, đó là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng.

Để có sự đoàn kết thật sự, không chỉ cần thực hiện nguyên tắc, bản lĩnh, lý trí mà còn rất cần tình thương yêu, sự đồng cảm và chia sẻ với nhau. Năm 1966, Người đã bổ sung vào bản Di chúc cụm từ “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Để có sự đoàn kết thống nhất thực sự thì bên cạnh tinh thần, lý trí, trong mỗi cán bộ, đảng viên phải có tình thương yêu đồng chí, có lòng nhân ái, nhân hậu. Trong thực hành công việc không chỉ là đặt ra yêu cầu hoàn thành công việc mà còn phải có sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành công việc. Vì vậy, để duy trì và bồi đắp đoàn kết thống nhất thì từng tổ chức Đảng bên cạnh việc phải chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, còn phải thường xuyên bồi dưỡng tình thân ái, tình thương yêu cảm thông chia sẻ, tình đồng chí.

Đảng ta là Đảng cầm quyền, nên Bác đặc biệt coi trọng yếu tố đạo đức trong Đảng, chống lại các căn bệnh “quan liêu”, “tham nhũng, lãng phí”, “xa dân”. Theo Bác Hồ, Đảng cầm quyền có nhiệm vụ to lớn là lãnh đạo Nhân dân xây dựng xã hội mới, tiến hành “một cuộc chiến đấu khổng lồ”, xóa đi những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, xây dựng những cái mới mẻ, tốt tươi. Trong Di chúc, Bác Hồ căn dặn với 4 chữ thật: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Đoàn kết thống nhất trước hết phải được xây dựng trong Đảng, được thể hiện trong Đảng. Mỗi đảng viên, nhất là đảng viên giữ trọng trách lãnh đạo phải cương quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội trong chính bản thân mình trước những tác động từ bên ngoài. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội chính là căn nguyên của mất đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Đã 85 năm, với chặng đường đã qua có không ít giai đoạn khó khăn, phức tạp, nhưng Ban Chấp hành Trung ương mà hạt nhân là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn vững vàng, luôn đoàn kết thống nhất.

Thấm nhuần tư tưởng và thực hiện Di chúc của Bác, những năm qua, Đảng ta luôn coi trọng, giữ gìn và phát huy đoàn kết thống nhất. Nhờ đó, Đảng đã quy tụ và phát huy được sức mạnh toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo đất nước mà Nhân dân đã tin tưởng giao phó. Trong nhiều kỳ đại hội Đảng, vấn đề đoàn kết thống nhất đều được nghiêm túc đặt ra, được xem xét, đánh giá một cách toàn diện và sâu sắc. Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa I tháng 11-1939, trong phần nói về Đảng đã chỉ rõ: “Phải thống nhất ý chí và hành động”“sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng buộc phải có ý chí giác ngộ của toàn thể đảng viên, chớ không phải nhắm mắt phục tùng”. Tại Đại hội VI năm 1986, Đảng ta rút ra 4 bài học kinh nghiệm quý, trong đó có bài học về tăng cường sự đoàn kết nhất trí, sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng. Trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV thông qua, đã được sửa đổi, bổ sung tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, VI đều khẳng định “Đảng coi việc giữ gìn đoàn kết nhất trí trong Đảng trên cơ sở đường lối chính trị và nguyên tắc tập trung dân chủ là sinh mệnh của Đảng, và kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống mọi biểu hiện chia rẽ, bè phái trong Đảng”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII nhấn mạnh: “Đoàn kết thống nhất trong Đảng, trước hết là ở cơ quan lãnh đạo, có ý nghĩa quyết định sự thành công của cách mạng. Cán bộ, đảng viên giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng trên cơ sở đường lối chính trị, nguyên tắc tổ chức và tình yêu thương đồng chí”. Đại hội IX yêu cầu: “Từng đảng bộ giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong tập thể lãnh đạo. Đối với những cấp ủy, tổ chức Đảng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, cán bộ lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền, kéo bè, kéo cánh, gây mất đoàn kết nội bộ, cấp ủy cấp trên phải chỉ đạo kiểm điểm làm rõ đúng sai, xử lý nghiêm những người có khuyết điểm”.

 

Phần II: KỂ CHUYỆN VỀ BÁC HỒ

Một chuyến thăm ba bài học

 

Sau hơn một tuần diễn ra trận chiến bảo vệ kho xăng Đức Giang, ngày 29/6/1966, Bác Hồ đến thăm một đại đội thuộc đoàn thông tin Sông Điện, bộ đội phòng không đóng ở chùa Trầm (Hoài Đức). Cuộc đi thăm không báo trước. Khi chiếc xe con dừng lại ở lưng chừng dốc, một chiến sĩ nhận ra Bác reo to lên. Bác giơ tay ra hiệu không được làm ồn ào rồi bảo chiến sĩ đó đưa Bác vào đơn vị.

Với đôi dép cao su giản dị, Bác đi rất nhanh lên sườn đồi, bộ quần áo bà ba nâu bay trong gió. Sau khi dừng lại xem câu lạc bộ, Bác nhanh nhẹn đi xuống nhà bếp. Thấy đồng chí Hào, tổ trưởng anh nuôi đang bê một nồi cơm to từ trên bếp lò xuống, Bác vui vẻ hỏi:

          - Mỗi bữa chú ăn được mấy bát?

          - Thưa Bác, cháu ăn được ba bát ạ.

          - Chú ăn được như vậy là tốt.

Nói xong, Bác mở hộp thuốc lá lấy ra một điếu đưa cho Hào:

          - Bác biếu chú, chú hút đi.

          Rồi Bác lấy một điếu khác ra để hút. Thấy Bác có ý tìm đóm để châm lửa, Hào vội rút bao diêm trong túi ra định bật diêm cho Bác, Bác liền ngăn lại:

          - Chú để dành diêm mà nhóm bếp. Cả bếp lò đang hồng thế kia tha hồ cho Bác cháu ta châm thuốc.

          Chỉ một que diêm mà Bác đã cho chúng tôi bài học sâu sắc về tinh thần tiết kiệm.

          Ở bếp bước ra, Bác hỏi cán bộ đại đội:

          - Các chú có trồng rau không?

          - Thưa Bác, chúng cháu chỉ trồng được rau muống dưới chân núi thôi ạ. Còn trên sườn đồi này nhiều sỏi, trồng không lên.

          Bác kể lại kinh nghiệm hồi ở chiến khu và bảo:

          - Các chú xúc hết đá đi, xới đất, xuống ao bốc bùn đổ lên, rau sẽ xanh tốt. Có trồng có ăn, đỡ phần cung cấp của Nhân dân.

          Từ đó, trên vách đá men theo con đường trong đơn vị, các vườn rau đua nhau mọc lên xanh tốt. Đơn vị không chỉ tự túc rau ăn mà còn bán cho đơn vị bạn và Nhân dân nữa.

          Bài học thứ ba Bác dạy cho chúng tôi là con đường mòn và công tác dân vận. Khi đơn vị chưa đóng ở chùa Trầm, bà con trong vùng vẫn đi làm đồng theo con đường mòn qua núi. Từ ngày đơn vị đến, anh em đã tự động rào lại, cấm người qua lại. Thăm qua mấy nơi, Bác bảo tập hợp bộ đội lại để Bác nói chuyện, Bác căn dặn:

          - Muốn làm tốt nhiệm vụ, các chú phải đoàn kết nội bộ tốt, đoàn kết chặt chẽ với nhân dân địa phương, chỉ có dựa vào nhân dân, đoàn kết với nhân dân mới bảo vệ được mình, che mắt địch và đánh thắng được chúng.

          Chợt Bác chỉ tay ra phía đường cái và hỏi:

          - Thế các chú cấm con đường này thì nhân dân đi lối nào?

          - Thưa Bác, đi vòng theo các bờ ruộng ngoài kia ạ.

          Bác nghiêm mặt:

          - Như vậy là không được. Các chú cấm đường để bảo mật, phòng gian là đúng, nhưng phải đắp đường khác cho dân đi chứ. Có như vậy mới đúng là quân dân đoàn kết.

          Bác dặn đơn vị phải làm ngay, đắp đường cho to, trồng cây hai bên và khi nào làm xong báo cáo cho Bác biết. Ngay hôm sau, đơn vị bắt tay vào làm đường, làm cả trưa hè nắng lửa, đốt đuốc làm cả đêm. Con đường hoàn thành trước hạn định. Các cụ trong làng đem cây ra trồng hai bên. Con đường quân dân đoàn kết ấy được đặt tên là “Đường Quyết Thắng”- Con đường mang ý Bác, lòng dân, con đường đi của chúng tôi: vì nhân dân phục vụ.

 

Phần III: LIÊN HỆ VỚI CÁ NHÂN VÀ ĐƠN VỊ

 

          Bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, trước những tác động của kinh tế thị trường, trước sự chuyển mình của Bệnh viện. Toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ, kể cả các cán bộ lãnh đạo cần thiết tự mình phải đề cao cảnh giác trước xu hướng chạy theo chủ nghĩa cá nhân; mất đoàn kết nội bộ, chưa tôn trọng và thực hiện chưa đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Tự phê bình và phê bình hình thức, hoặc lợi dụng để đấu đá, hạ bệ lẫn nhau, cơ hội chủ nghĩa, “lợi ích nhóm”, tính cục bộ địa phương phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ.

          Những năm gần đây, Đảng ta đã đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức Đảng và trong cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, thực tế ở một vài đơn vị người đứng đầu chưa thật sự chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên và cấp mình về chất lượng chuyên môn, sự đoàn kết thống nhất nội bộ lại chưa thực sự gương mẫu, chưa thấm nhuần ý thức xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ. Chính vì vậy, việc lựa chọn người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, có vai trò tiền phong, gương mẫu là rất quan trọng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thực sự công bằng, công tâm trong xử lý công việc, phải thực sự là trung tâm quy tụ, đoàn kết của tổ chức Đảng, của tập thể cơ quan và đơn vị.

Thực tế cho thấy, đoàn kết thống nhất trong cán bộ lãnh đạo ở cấp càng cao thì tác động, ảnh hưởng đối với Đảng càng mạnh, sức lan tỏa ra xã hội càng lớn. Ngược lại, nếu những người nắm trọng trách lãnh đạo, nhất là ở cấp cao nếu không có ý thức đoàn kết thống nhất thì không những gây nguy hại mà còn tạo ra những nguy cơ lớn, khó lường trong Đảng.

Hiện nay, Bệnh viện đang chuyển mình, trước những thời cơ vận hội mới nhưng cũng đầy những thử thách lớn lao, những thành tựu của Đảng ủy, Ban Giám đốc đạt được trong nhiệm kỳ qua chính là kết quả của sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng, Ban Giám đốc, các khoa, phòng, cán bộ, viên chức, nhân viên y tế trong đơn vị, là minh chứng khẳng định sự trưởng thành và vững mạnh của Đảng bộ. Tuy nhiên, trong bối cảnh mô hình bệnh tật diễn biến phức tạp, nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của Nhân dân ngày càng cao, bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp. Cơ sở vật chất chưa ngang tầm với chức năng nhiệm vụ của một Bệnh viện hạng II, trang thiết bị y tế còn quá thiếu thốn, củ kỷ nghèo nàn, lạc hậu. Chính vì vậy, việc tăng cường đoàn kết và thống nhất trong Đảng từ Đảng bộ, Ban Giám đốc đến cơ sở là điều tất yếu và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Giờ đây, đoàn kết thống nhất trong Đảng càng phải được xem là một chiến lược lâu dài đối với sự phát triển của Bệnh viện. Đảng bộ cần phải xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất, có như vậy thì hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân mới đoàn kết xung quanh Đảng ủy. Đoàn kết trong Đảng chính là tấm gương cho cả hệ thống chính trị và là nhân tố quyết định thành công nhiệm vụ xây dựng và phát triển Bệnh viện.

Trước thềm Đại hội Đảng các cấp, khi chúng ta đang đứng trước thời điểm phải lựa chọn những người xứng đáng, vừa có tài, vừa có đức để đảm nhận những trọng trách lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp, thì hơn bao giờ hết, chúng ta càng phải phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất. Đây là trách nhiệm lớn, mà trước hết là của tập thể, cá nhân lãnh đạo từ Đảng ủy, ban giám đốc đến chi ủy chi bộ và các khoa, phòng, nhất là những cán bộ giữ trọng trách lãnh đạo phải thực hiện nghiêm lời căn dặn trong Di chúc của Bác Hồ: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

 

Phần IV: CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

 

          Trong giai đoạn phát triển mới của Bệnh viện, chúng ta đang đứng trước những thử thách lớn. Như các nơi khác trong toàn quốc, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay đã trở thành “vấn đề cấp bách”, cần tập trung giải quyết. Nội dung tăng cường đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đang trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Là một đảng viên, bác sỹ, thông qua việc nghiên cứu, học tập các nội dung của chuyên đề “Về đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh”, cá nhân tôi xin đề xuất với các cấp ủy và hệ thống chính trị một số giải pháp như sau:

          - Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật trong tổ chức, cơ quan, đơn vị.

          - Gương mẫu chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, sự phân công, điều động của tổ chức, đi đầu thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, các nội quy, quy chế, quy định của Bệnh viện, khoa, phòng. 

          - Hết lòng chăm lo xây dựng và tăng cường đoàn kết nội bộ; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng chí, đồng nghiệp trong cơ quan, đơn vị, hợp tác với đồng chí, đồng nghiệp để cùng nhau tiến bộ. 

          - Chân thành giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp trong công tác và trong cuộc sống, bảo vệ uy tín, danh dự chính đáng của đồng chí, đồng nghiệp, không tranh công, đổ lỗi, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, khuyết điểm cho người khác. 

          - Tích cực tham gia xây dựng chi bộ Đảng trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, Bệnh viện, khoa, phòng phát triển bền vững, các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nơi công tác tiên tiến. Kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ cơ quan, đơn vị.

          - Nâng cao tinh thần phê bình và tự phê bình, đánh giá đúng mức ưu điểm, khuyết điểm, kết quả lãnh đạo của cấp ủy và Đảng bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, của những yếu kém, khuyết điểm và đề ra những biện pháp khắc phục.

          - Lựa chọn, giới thiệu nhân sự bầu vào cấp ủy các cấp căn cứ vào tiêu chuẩn chung quy định trong Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị. Cần đặc biệt nhấn mạnh tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ được giao, uy tín trong Đảng và trong xã hội, có  tư duy đổi mới, khả năng tiếp cận, nắm bắt, xử lý các vấn đề mới và vấn đề phức tạp mới nảy sinh, khả năng đoàn kết, quy tụ, phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát, nói đi đôi với làm, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.

          Đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh “là đạo đức, là văn minh” hiện nay không chỉ là trách nhiệm của Đảng bộ, trước hết là của cấp ủy các cấp, của mỗi cán bộ, đảng viên, mà còn là yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển mới của Bệnh viện và là sự mong đợi của các tầng lớp Nhân dân trong huyện và khu vực.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

          1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.

          2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.

          3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

          4. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19 tháng 01 năm 2011.

          5. 120 câu chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

BSCKII Châu Quôc Lượng