CÁC PHÒNG CÁC KHOA
Liên kết |
Tổng phân tích 10 thông số nước tiểu07:55:00 27/10/2015
Tổng phân tích nước tiểu là xét nghiệm thường quy tại bệnh viện. Đây là xét nghiệm rẻ tiền nhưng cung cấp nhiều thông tin về bệnh tật. Song, trong thực hành lâm sàng một số đồng nghiệp chưa xem trọng. Bài viết này nhằm cung cấp một số thông tin cơ bản về ý nghĩa lâm sàng 10 thông số nước tiểu. 1. Lấy mẫu: Nước tiểu thay đổi liên tục trong ngày và chịu ảnh hưởng bởi vận động, chế độ ăn nên lý tưởng nhất là lấy vào thời điểm sáng sớm. Mẫu nước tiểu sau khi lấy phải vận chuyển ngay đến phòng xét nghiệm vì để lâu (thường sau 01 giờ) sẽ đưa đến các biến đổi sau làm ảnh hưởng đến kết quả thực của bệnh nhân: - Tăng độ pH: Do sự biến đổi ure thành amoniac của một số vi khuẩn tạo men urease. - Giảm glucose: Do sự ly giải glucose và vi khuẩn hiện diện trong nước tiểu sử dụng đường. - Giảm thể keton: Do bay hơi. - Giảm bilirubin: Do tiếp xúc với ánh sáng. - Giảm urobilinogen: Do sự oxy hóa của urobilinogen thành urobilin - Tăng nitrite: Do sự biến đổi nitrate thành nitrite của một số vi khuẩn. 2. Các chỉ số bình thường.
3. Phân tích kết quả.
3.1. Tỷ trọng: Phản ánh tình trạng cô đặc hay pha loãng nước tiểu của thận. Tỷ trọng thường tỷ lệ nghịch với lượng nước tiểu ngoại trừ các trường hợp sau: - Tăng huyết áp: Lượng nước tiểu bình thường nhưng tỷ trọng giảm. - Đái tháo đường: Lượng nước tiểu tăng, tỷ trọng tăng. Tình trạng giảm tỷ trọng kéo dài chứng tỏ mất khả năng cô đặc nước tiểu của thận, thường gặp trong suy thận mạn. 3.2. PH: Đánh giá tình trạng toan kềm của nước tiểu. PH nước tiểu bình thường trung bình bằng 7. Tình trạng quá toan hay quá kềm dễ hình thành sỏi tiết niệu. PH cũng bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn. Người ăn chay thường có PH kềm vì thực phẩm có nhiều citrate biến đổi thành bicarbonate. Ngược lại người ăn nhiều thịt động vật thường có PH axít vì thịt động vật có nhiều axít hữu cơ. PH kềm + mùi khai thường gặp trong nhiễm trùng tiểu vì có một số chủng loại vi khuẩn tiết men urease phân hủy urea thành NH3. Nước tiểu kềm dễ làm các gốc phosphate kết tủa. Sự kết tủa này cùng với NH3 và Mg tạo thành sỏi struvite gây cảng quang. PH axít dễ làm axít uric kết tủa tạo sỏi và loại sỏi này không cảng quang. 3.3. Tế bào bách cầu: Xét nghiệm này không có khả năng phát hiện bạch cầu mà chỉ có khả năng phát hiện men esterase của bạch cầu. Xét nghiệm bạch cầu dương tính thường liên quan đến nhiễm trùng tiết niệu và viêm thận kẻ do thuốc. 3.4. Nitrite: Xét nghiệm Nitrite dương tính thường liên quan đến nhiễm trùng tiết niệu. Lý do là một số vi khuẩn có khả năng tiết men chuyển Nitrate thành Nitrite. Một điều lưu ý là sự biến đổi này cần phải có thời gian (thường 04 giờ). Do đó, một số trường hợp bàng quan bị kích thích bệnh nhân đi tiểu liên tục nên không còn nước tiểu lưu trong bàng quang dẫn đến xét nghiệm nitrite âm tính nhưng thực tế bệnh nhân bị nhiễm trùng tiểu. Cả 02 xét nghiệm nước tiểu có Nitrite dương tính kết hợp với bạch cầu dương tính dùng chẩn đoán nhiễm trùng tiểu có độ nhạy 30% và độ đặc hiệu 90%. Nghĩa là 100 bệnh nhân nhiễm trùng tiểu khi xét nghiệm có Nitrite và bạch cầu dương tính chỉ có 30%. Do vậy xét nghiệm này chỉ mang tính hỗ trợ trong chẩn đoán nhiễm trùng đường tiểu. 3.5. Tế bào máu: Cũng như bạch cầu xét nghiệm này không có khả năng phát hiện hồng cầu mà có chỉ có khả năng phát hiện nhân heme. Nhân heme ngoài hiện diện trong hồng cầu còn hiện diện trong myoglobin. Do đó khi xét nghiệm có tế bào máu ngoài việc tầm soát các bệnh lý tại thận và sau thận, cần phải tầm soát thêm các bệnh lý liên quan đến tổn thương cơ. 3.6. Protein niệu: Chỉ phát hiện đạm niệu đại thể, không phát hiện đạm niệu vi thể. Mức phát hiện đạm niệu vi thể rất thấp từ 1,5-1,8 mg/dl nên phải dùng phương pháp khác phức tạp hơn. Đạm niệu dương tính là chỉ điểm của rất nhiều bệnh tật như hội chứng thận hư, viêm vi cầu thận cấp, bệnh thận đa nang, viêm đài bể thận, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng… Trong thực hành lâm sàng thường gặp phát hiện đạm niệu trên bệnh nhân đái tháo đường hay tăng huyết áp. Đây là yếu tố nguy cơ tại thận và nguy cơ tim mạch được xác định, nếu có chế độ điều trị thích hợp sẽ làm chậm quá trình tiến tới bệnh thận giai đoạn cuối. 3.7. Glucose: Chỉ phát hiện glucose mà không phát hiện các loại đường khác. Đường dương tính khi đường máu vượt quá ngưỡng thận, bệnh lý ống thận, viêm tụy … Trong bệnh Đái tháo đường thường xuất hiện đường trong nước tiểu nhưng không dùng để chẩn đoán. Chúng ta biết rằng ngưỡng đường của thận 180 mg/dl, nghĩa là khi đường huyết > 180mg/dl thì mới xuất hiện đường trong nước tiểu. Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường khi đường huyết tương lúc đói >126 mg/dl. Như vậy nếu dùng đường niệu để chẩn đoán thì bỏ sót một lượng lớn bệnh nhân có đường huyết lúc đói nằm trong khoảng 126 – 180 mg/dl. 3.8. Thể cetone: Có 03 thể ceton đó là: Acetone, Acetoacetic acid và βhydroxybutiric. Xét nghiệm 10 thông số nước tiểu chỉ phát hiện được Acetone và Acetoacetic acid, không phát hiện βhydroxybutiric. Điều này rất có ý nghĩa trong biện luận các trường hợp hôn mê do tăng đường huyết. Trong hôn mê do tăng đường huyết giai đoạn cấp tăng chủ yếu là βhydroxybutiric nên xét nghiệm thể cetone tăng không nhiều. Giai đoạn phục hồi tăng chủ yếu là Acetoacetic acid nên xét nghiệm thể cetone tăng rất cao. Thể cetone còn dương tính trong chế độ ăn nhiều mỡ và lúc đói do chuyển hóa chất béo tạo thể cetone. 3.9. Bilirubin và urobilinogen: Hồng cầu vỡ sản sinh bilirubin gián tiếp, dạng này không tan trong nước mà chỉ tan trong mỡ. Bilirubin gián tiếp về gan tạo thành bilirubin trực tiếp tan trong nước. Bilirubin trực tiếp được bài tiết xuống ruột non và chuyển hóa thành urobilinogen, tại đây 80% được bài tiết qua phân dưới dạng stercobilin nên phân có màu vàng. Phần còn lại 20% được tái hấp thu về gan theo chu trình gan ruột. Trong số này 90% giữ tại gan, 10% bài tiết qua nước tiểu. Như vậy các trường hợp vàng da trước gan do sự tan máu dẫn đến tăng bilirubin gián tiếp, tăng bilirubin trực tiếp, tăng urobilinogen, tăng đào thải qua thận nên xét nghiệm có urobilinogen dương tính. Trường hợp vàng sau gan tức do tắc mật, bilirubin trực tiếp không xuống ruột được ->không tổng hợp được urobilinogen, nên xét nghiệm urobilinogen trong nước tiểu âm tính. Bilirubin trực tiếp không xuống ruột nên tràn vào máu và thải ra theo đường tiểu nên xét nghiệm bilirubin dương tính. Vàng da tại gan, quá trình tổng hợp bilirubin vẫn còn xảy ra cộng với tính trạng viêm nhiễm chèn ép của tế bào gan nên bilirubin trực tiếp một phần thấm vào máu một phần vẫn xuống được ruột để tổng hợp urobilinogen nên trường hợp này xét nghiệm cả 02 đểu dương tính nhưng mức độ thấp hơn. Bùi Văn Dủ |